CCB CÒN 13% SỨC KHỎE VẪN GÓP SỨC LÀM ĐƯỜNG NÔNG THÔN

Thứ ba - 13/07/2021 03:45 121 0
Vợ chồng ông Đinh Thái Minh đều trở về từ chiến trường và mang trên mình thương tật, cùng nhau vượt qua những năm tháng vất vả để xây dựng mái ấm hạnh phúc và đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Đoạn đường gia đình ông Đinh Thái Minh tự nguyện san lấp xây kè mở rộng mặt bằng
Đoạn đường gia đình ông Đinh Thái Minh tự nguyện san lấp xây kè mở rộng mặt bằng
Tình yêu đi qua chiến tranh
Tìm về xóm Vân Nam, xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ, Nghệ An), chúng tôi thấy vợ chồng ông Đinh Thái Minh đang cào đất, san đường, dù đôi bàn tay người chồng chỉ còn 5 ngón, người vợ thì vóc dáng nhỏ bé, gầy gò. Lúc này, công việc đã sắp sửa hoàn thành, mặt đường đã khá bằng phẳng. Tạm dừng tay, ông Minh chuyện trò: “Tôi từng là lính trận chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, bị thương, một mắt bị hỏng, trong đầu còn một mảnh đạn, thương tật đầy mình, tỷ lệ mất sức 87%, xếp hạng ¼,. Vợ tôi là Bùi Thị Ba, cựu TNXP, cũng là thương binh, tỷ lệ thương tật 32%. Chúng tôi có cùng suy nghĩ đã từng cống hiến máu xương cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nay còn chút sức lực và khoản tiền dành dụm được sẽ không tiếc khi cống hiến cho thôn xóm, quê hương”.
Vóc dáng nhỏ bé nhưng khá nhanh nhẹn, vừa rót nước mời khách, bà Ba vừa kể: “Tôi bị sức ép của bom Mỹ vào năm 1972 ở Nghi Văn – Nghi Lộc, nay chỉ nghe được một tai. Sau giải phóng, trở về quê và kết hôn với ông Thanh, sinh được 2 trai, 1 gái. Thời gian đầu không thể kể hết khó khăn, nay các con đã trưởng thành nên cuộc sống cũng đỡ phần vất vả”. Theo lời bà Bùi Thị Ba, hai người cùng quê Thanh Chương nhưng theo gia đình lên Tân Kỳ lập nghiệp. Quen biết rồi yêu nhau từ khi vừa rời ghế nhà trường, nhưng do chiến tranh ác liệt nên hai người đều lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ông Minh tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam rồi chiến trường biên giới Tây Nam, bà Ba gia nhập TNXP làm nhiệm vụ trên tác tuyến đường ở Nghệ An.
Chiến tranh ác liệt nhưng hai người vẫn luôn hướng về nhau qua những cánh thư và lời thăm hỏi, hẹn ngày đất nước hòa bình sẽ cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc. Nhưng rồi, cả hai đều mang thương tích, đặc biệt là ông Minh bị mất 5 ngón tay, nhiều vết thương trên cơ thể, một mắt hỏng hoàn toàn và một mảnh đạn trong đầu, chỉ còn 13% sự sống. Bà Ba cũng bị sức ép của bom gây điếc tai với tỷ lệ thương tật 32%. “Như hẹn lời ước trước lúc lên đường, chúng tôi tổ chức đám cưới, cùng xây dựng gia đinh, dẫu biết phía trước rất nhiều khó khăn, vất vả và gian nan đang chờ đón. Cũng có người khuyên bảo này nọ nhưng tôi vẫn giữ trọn tình yêu thương, cho dù sự sống của ông ấy có thể mỏng manh, ngắn ngủi” bà Ba nói.
“Có lợi cho mình và những người xung quanh thì làm”
Bà Ba kể tiếp về thời vợ chồng mới lấy nhau với bao gian nan, nhọc nhằn, bởi việc sinh và nuôi 3 con nhỏ chưa bao giờ dễ dàng đối với những người mang thương tật chiến tranh. Có những lúc “chạy ăn từng bữa”, rồi khi trái gió trở trở trời ông Minh vật vã vì vết thương hành hạ, một mình bà gắng gượng để vượt lên. Khi hết cơn đau, người đàn ông chỉ còn 13% sức khỏe và đôi bàn tay, một bàn còn ba ngón, bàn kia chỉ còn hai nhưng vẫn cầm cuốc, xẻng lên đồi trồng sắn, vẫn dầm giữa ruộng cầm cày… “Nhìn ông ấy sức vóc chẳng còn bao nhiêu nhưng vẫn cặm cụi làm việc, tôi đã nhiều lần can ngăn nhưng không suy suyển, ông bảo là làm vì các con” – bà Ba nói: Được cái các con đều ngoan và nghe lời bố mẹ, chăm chỉ làm việc và học hành, nay đã trưởng thành và có gia đình riêng, vợ chồng ông Minh hiện ở cùng người con trai thứ hai. Hiện tại, gia đình ông có hàng chục con trâu, bò, dê, gà, vịt, chưa kể ao cá và vườn cây, là một trong những hộ làm ăn giỏi ở Nghĩa Hợp.
Xóm Vân Nam của ông Minh nằm xa trung tâm huyện Tân Kỳ gần 20 km, đường sá còn khó khăn, nhiều đoạn còn đường đất, mùa mưa lầy lội và trơn trượt, ảnh hưởng đến việc đi lại, nhất là các cháu nhỏ đến lớp hàng ngày. Mới đây, xã Nghĩa Hợp phát động nhân dân hiến đất, nâng cấp đường giao thông nông thôn, ông Minh bàn với vợ bỏ kinh phí san lấp, rải đá cấp phối 200 mét đường và xây bờ kè dài hơn 100m ở đoạn đường trước nhà. Điều này lợi cả đôi đường, trước tiên là gia đình và các hộ lân cận sẽ được đi lại trên đoạn đường rộng rãi và sạch đẹp. Sau nữa là xóm và xã sẽ giảm được một phần chi phí và công sức, bởi nguồn ngân sách địa phương cũng như thu nhập của người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Minh chia sẻ: “Khi đặt vấn đề lấy số tiền trợ cấp thương tật dành dụm trong mấy năm để làm đường, vợ và các con đều đồng tình ủng hộ. Con trai đầu đang làm việc ở Hà Nội còn hỗ trợ thêm, tổng chi phí hết khoảng 50 triệu đồng với mong muốn bố mẹ và bà con hàng xóm sớm có đường mới để đi. Việc này có lợi cho mình và những người xung quanh thì mình làm, chứ có gì to tát lắm đâu”.
Ông Võ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hợp cho biết: “Vợ chồng ông Đinh Thái Minh đều là thương binh, cả hai người đều chăm chỉ, siêng năng làm ăn sản xuất, nuôi dạy con trưởng thành. Mới đây, gia đình ông Minh tự nguyện san mặt bằng và làm kè phía trước nhà đã khích lệ người dân trên địa bàn hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới”.

Tác giả bài viết: Công Kiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây