CHỦ TỊCH HỘI CCB NGÔ VĂN TỨ XÃ NGHĨA LONG, HUYỆN NGHĨA ĐÀN LÀM KINH TẾ GIỎI, NHIỆT TÌNH CÔNG TÁC HỘI

Thứ hai - 19/12/2022 01:41 161 0
Từ quân ngũ trở về, Cựu chiến binh (CCB) Ngô Văn Tứ ở xóm Nam Khế, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, vừa nhiệt tình tham gia hoạt động công tác hội ở địa phương vừa tích cực lao động sản xuất làm kinh tế. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Anh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; trong sản xuất làm kinh tế trang trại, hàng năm trừ các khoản chi phí doanh thu đạt từ 500 – 700 triệu đồng; được Hội CCB tỉnh suy tôn cấp giấy chứng nhận CCB làm kinh tế giỏi.
Chủ tịch Hội CCB Ngô Văn Tứ cho đàn gà ăn tại trang trại của gia đình
Chủ tịch Hội CCB Ngô Văn Tứ cho đàn gà ăn tại trang trại của gia đình
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống cách mạng và giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Vùng đất đỏ 3 gian ở đây rộng lớn phù hợp trồng cây mía đường, trồng cỏ chăn nuôi bò sữa, trồng hoa quả các loại; cam nghĩa đàn có thương hiệu (cam Vinh) nổi tiếng cả nước. Khi đủ 18 tuổi, Ngô Văn Tứ lên đường làm nghĩa vụ quân sự, đơn vị huấn luyện, công tác ở Lữ đoàn 215 xe tăng trực thuộc Binh chủng Tăng – Thiết giáp Bộ Quốc phòng. 2 năm trong quân ngũ, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đơn vị chọn đi học Sỹ quan Dự bị, năm 2009 xuất ngũ về địa phương.
Về quê, lúc bấy giờ hoàn cảnh gia đình anh cũng còn nghèo khó, đông anh em, vì thế bố mẹ không có vốn liếng gì để giúp con lập nghiệp. Gia tài của người lính từ quân ngũ trở về lớn nhất là phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ và trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ. Để có cái ăn, cái mặc, phụ giúp cha mẹ ổn định cuộc sống, anh đi làm phụ hồ, đào đất cắt gỗ, buôn bán v.v. Anh chia sẻ!
Tuổi trẻ được rèn luyện trong môi trường Quân đội, cùng với đức tính cần cù, chịu khó, ngoài lao động sản xuất làm kinh tế, anh tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương, năm 2010 vinh dự được các cấp ủy Đảng xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2012, anh được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Nông dân, sau đó được bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã Nghĩa Long.
Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng siêng năng, cần cù, chịu thương, chịu khó làm ăn, cuộc sống cũng chỉ đủ ăn, chứ không khá lên được. Anh trăn trở, suy nghĩ: Phải làm gì để thoát nghèo và làm giàu chính trên mảnh đất của quê hương mình?. Từ thực tiến bươn trải trong cuộc sống và học hỏi kinh nghiệm của bà con nhân dân địa phương. Anh quyết định làm kinh tế theo mô hình “trang trại tổng hợp”. Với diện tích trên 2,2 ha đất, anh quy hoạch: xây nhà ở; khu chăn nuôi lợn, gà, ao thả cá; trồng cây ăn quả, và trồng cây keo… Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ban đầu, anh đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi. Vay tiền vốn Ngân hàng 50 triệu đồng mua 1000 con gà giống “Minh Dư – Bình định”. Lứa đầu tiên bị thất bại, do nguyên nhân dịch bệnh và chưa có kinh nghiệm chuyên môn. Không nản chí, anh bàn với vợ tiếp tục vay vốn; cùng với đó, anh tham gia lớp tập huấn về thú y do xã tổ chức, ngoài ra đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình chăn nuôi trên địa bàn huyện. Anh mạnh dạn vay vốn tiếp 100 triệu đồng mua gà chăn nuôi lứa thứ 2, kết quả trừ chi phí có lãi 50 triệu đồng.
Thành công ban đầu, anh tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà từ 1000 con lên 7000 con, lợn thịt 50 con, đào ao thả cá 300m2. Để bảo đảm thức ăn cho lợn, gà, anh tận dụng các loại rau, củ quả trồng tại chỗ, đồng thời liên hệ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm làm Đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi, tạo dựng được mỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, nên đã hỗ trợ được cho gia đình cùng nhiều hộ bà con nhân dân đầu ra của gà thịt. Nhân lực chăn nuôi thường xuyên có 3-4 người trong gia đình. Khi mùa vụ trồng rừng, thu hoạch anh thuê lao động địa phương trả tiền công trực tiếp. Sản xuất, chăn nuôi theo mô hình trang trại kết hợp kinh doanh buôn bán của anh ngày càng phát triển. Việc tiêu thụ sản phẩm nhờ có chất lượng và giá cả hợp lý vì thế thương lái vào thu mua tận gốc.
Năm 2019, anh được Hội CCB xã đề nghị Huyện Hội bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã. Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 tái đắc cử Chủ tịch Hội. Anh nhận thấy, chức trách nhiệm vụ được giao là rất khó khăn. Nhưng đây cũng là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để bản thân tuyên truyền, vận động hội viên CCB nói riêng, bà con nhân dân địa phương nói chung triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước của Hội về việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường phát triển kinh tế; giúp nhau xóa  nghèo, làm giàu chính đáng.
Từ lúc nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội CCB xã, thời gian chưa nhiều, kinh nghiệm tổ chức hoạt động còn ít, có thể nói “một vai hai gánh” vừa làm công tác hội vừa làm kinh tế. Ngô Văn Tứ đã thực sự nỗ lực phấn đấu hơn 100% sức lực của mình. Điểm nhấn nổi bật của anh trong thời gian qua là: Biết phát huy lợi thế của bản thân từng là cán bộ Hội Nông dân, cán bộ Đoàn áp dụng vào trong quá trình hoạt động công tác Hội CCB. Trong phong trào “Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Để nhân rộng mô hình trang trại, gia trại, anh đã phổ biến kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi của bản thân cho cán bộ, hội viên trong toàn Hội; tạo điều kiện giúp đỡ cây, con giống cho anh em đầu tư vào sản xuất. Năm 2018, để sản xuất, chăn nuôi ổn định và phát triển, anh đã vận động hội viên CCB và các hộ gia đình trên địa bàn thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi với tên gọi “Hợp tác xã Long Tiến”. HTX có 10 thành viên trong đó có 4 hộ gia đình là hội viên CCB với 30 nhân công, do Ngô Văn Tứ làm Chủ nhiệm. Với tinh thần luôn chủ động, sáng tạo, bám nắm thị trường, anh đã cùng ban quản lý HTX đề ra chủ trương, giải pháp tổ chức sản xuất, chăn nuôi sát đúng và từng bước phát triển, đạt hiệu quả kinh tế. Thu nhập của các thành viên trong HTX đạt từ 100 – 200 triệu đồng; riêng gia đình anh doanh thu từ 500 – 700 trăm triệu đồng/ năm. Nguồn thu nhập từ sản xuất, chăn nuôi tích lũy được chưa nhiều. Nhưng trong ý tưởng và dự định thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các thành viên trong HTX góp vốn để xây dựng “lò giết mổ gia súc, gia cầm” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tạo công việc làm cho hội viên và con em hội viên CCB.
Là một đảng viên, cán bộ hoạt động ở cơ sở, anh luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ. Không chỉ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết làm giàu cho bản thân gia đình mình mà anh có một tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ về kinh nghiệm, vốn cho hội viên CCB khi gặp khó khăn mà còn đóng góp ủng hộ các hoạt động, phong trào của các tổ chức đoàn thể ở địa phương mỗi năm từ 10 – 15 triệu đồng.
Làm việc với Thường vụ Hội CCB huyện Nghĩa Đàn, đồng chí Nguyễn Khắc Viện, Phó Chủ tịch Hội cho biết: Thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” hiện nay Hội CCB huyện có 19 doanh nghiệp, 35 trang trại, 147 gia trại do hội viên làm chủ, đã góp phần tạo việc làm cho 1.674 lao động. Trong số cán bộ, hội viên tiêu biểu có Ngô Văn Tứ, Ủy viên BCH Hội CCB huyện, Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Long được các cấp Hội xét suy tôn cấp chứng nhận CCB làm kinh tế giỏi.
Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc Đại

 

Tác giả bài viết: Ngọc Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay620
  • Tháng hiện tại14,613
  • Tổng lượt truy cập896,429
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây