Sau 8 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) (Từ năm 2011-2019), ba xã Diễn Bình, Diễn Thắng, Diễn Minh mới chỉ đạt mỗi xã từ 16 – 18 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại được Ban lãnh đạo xã mới Minh Châu đầu tư thực hiện. Từ lâu Diễn Bình và Diễn Minh là 2 xã văn hóa, khoa bảng có nhiều nhà văn, nhà thơ được cả nước biết tên như Trần Hữu Thung, Võ Văn Trực, Võ Thị Hảo, Nguyễn Trung Phong, Nguyễn Trung Giáp. Trước khi sát nhập cả 3 đã hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học”, “ngói hóa nhà ở” cho dân. Xây dựng được trường học, trụ sở làm việc của UBND xã cao tầng. Hệ thống đường giao thông, kênh mương thủy lợi, đường từ làng ra đồng được nâng cấp, mở rộng và bê tông hóa, với chiều dài hơn 35km, trong đó có 8km đường nhựa nối từ trung tâm các xóm với quốc lộ 7A.
Nhận thức đúng đắn việc sát nhập 3 xã nhỏ thành xã Minh Châu là một chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước. Bởi vậy, huyện và xã đã chọn được đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ chủ trì vừa hồng, vừa chuyên, có trình độ chuyên môn đại học, am hiểu nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các đoàn thể quần chúng như Hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thành niên được kiện toàn theo hướng tinh gọn hiệu quả, trở thành những công bậc của dân. Ban quản lý 3 HTX nông nghiệp được kiện toàn theo luật HTX Việt Nam năm 1982, am hiểu đồng ruộng, biết lo cái lo của dân, mùa vụ nào cũng cung ứng đầy đủ vật tư, phân bón, thóc giống, hạt giống, nước tưới. Đồng thời tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã về chuyển đổi kinh tế cơ cấu cây trồng vật nuôi thoe hướng hàng hóa. Đảng bộ xã sau khi sát nhập có hơn 500Đảng viên, đồng chí nào cũng gương mẫu đi đầu trong mọi mặt công tác. Đảng viên trẻ đảm nhiệm xây dựng cánh đồng, mô hình cho thu nhập cao, xây dựng vườn mẫu nông thôn mới. Đảng viên hưu trí gương mẫu xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự học cho con cháu. Sau khi hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, xây dựng được 3 vùng chuyên canh lúa, 2 vùng màu, mỗi vùng rộng từ 150 – 200ha. Đối với 300 ha đồi núi, 60 ha ao đầm mặt nước, thì chuyển đổi đất, đấu thầu cho dân sử dụng lâu dài để làm kinh tế trang trại, gia trại theo mô hình VACR, tạo ra cánh đồng cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng/ha. Do gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỷ thuật, mức đầu tư cao, sử dụng quỹ đất đạt hệ số 3 lần/năm, nên năng suất cây trồng đạt cao (Lúa đạt 70 tạ/ha, ngô 50 tạ/ha), các loại rau màu ngắn ngày thu từ 10 -12 triệu đồng/sào. Tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt hơn 6.500 tấn/năm.
Xã liên kết với các cơ quan chức năng ở huyện để giải ngân cho các hộ nghèo vay vốn, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT để trồng rừng, làm kinh tế trang trại, gia trại. Cả 11 xóm chuyển 50% số lao động thuần nông sang làm thương mại, dịch vụ, đi xuất khẩu lao động, làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM còn lại, xã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp chợ Diễn Bình lên chợ nông thôn loại 2, ưu tiên mặt bằng dọc quốc lộ 7A, khuyến khích những hộ có vốn mở cơ sở cung ứng xăng dầu, đại lý vật tư phân bón, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giải khát. Thu hút hơn 1000 lao động vào sản xuất kinh doanh. Chỉ tính sau hơn 3 năm thành lập xã mới, đã đầu tư, làm mới 10 hạng mục công trình, trong đó nâng cấp mở rộng 20km đường liên thôn, liên xã, 3 trạm bơm điện, nâng cấp sữa chữa nhà cửa cho 800 hộ nghèo và cận nghèo. Trạm y tế, sân vận động xã cũng được nâng cấp mở rộng. Chùa Cổ Am cũng được tỉnh và huyện đầu tư, trùng tư để khách thập phương về tham quan du lịch, dâng hương dâng hoa báo hiếu. Việc kiện toàn cũng cố đội ngũ văn nghệ quần chúng, hội thơ ca được xã quan tâm chú trọng. Hiện toàn xã có hơn 100 diễn viên nhạc công, người làm thơ, viết văn. Hội thơ “Hai vai” của xã đã sáng tác xuất bản hai tập thơ “Cây nhà lá vườn”, với hơn 850 bài thơ, phục vụ bạn đọc trong và ngoài xã. Đài truyền thanh xã mỗi tuần sản xuất dàn dựng một chương trình thời sự với thời lượng 15 phút và duy trì việc tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài PTTH Nghệ An và đài truyền thanh huyện để nhân dân nghe được thông tin 4 cấp.
Cả 11 xóm xây dựng được hương ước, quy ước nông thôn, thành lập câu lạc văn nghệ, thể thao. Vào dịp xuân về tết đến, các ngày kỷ niệm, các đoàn thể quần chúng phối hợp với 3 trường học, Ban chỉ huy 11 xóm tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao thi đấu bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, thu hút hàng nghìn người tham gia, tạo không khí vui tươi lành mạnh trong nông thôn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, cả 11 xóm trong xã còn làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa ở dân cư. Sự học của con em cũng được người dân quan tâm chăm lo hơn. Ngoài quỹ khuyến học xã có số dư mỗi năm hơn 100 triệu đồng, 11/11 xóm và 8 dòng họ đều lập quỹ khuyến học, khuyến tài động viên con em thi đua học tập đạt thành tích cao. Ba năm sát nhập xã, số con em Minh Châu thi đậu vào các trường đại học ngày càng nhiều, có em đậu cả 2 trường. Xã cũng đã được công nhận chuẩn quốc ghia về y tế, cả 3 trường học đều đạt chuẩn, trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2. Việc cưới việc tang ở Minh Châu đều thực hiện theo nếp sống văn hóa. Xã luôn hoàn thành đóng góp cho nhà nước và tập thể lập được các loại quỹ “Quỹ vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nạn nhân chất độc da cam”, “Quốc phòng an ninh”, “Phòng chống thiên tai”, “Khuyến học khuyến tài”, có số dư hàng năm từ 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng/quỹ. Minh Châu sớm thành lập câu lạc bộ pháp lý, tổ hòa giải, hoạt động có hiệu quả. Nên những năm qua xã không có người vi phạm pháp luật, là địa bàn sạch về ma túy. Các vụ việc nhỏ đều được công an xã, tổ hòa giải, tổ tự quản xóm giải quyết kịp thời nên không có đơn thư, tố cáo vượt cấp. Quy chế dân chủ được thực hiện tốt. Các nguồn vốn đầu tư từ sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi được nhân dân bàn bạc quyết định một cách dân chủ công khai. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể được đổi mới và có hiệu quả rõ rệt. Đảng bộ Minh Châu 3 năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền, các đoàn thể luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên khen thưởng. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao. Từ 35 triệu thu nhập bình quân ngày đầu thành lập xã mới, nay toàn xã có 60% số hộ giàu và khá, thu nhập tăng lên 45 triệu đồng người/năm. Con số 80% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, có 18 cơ quan trường học, trạm y tế, thôn xóm, dòng họ đạt đơn vị văn hóa là kết quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Mùa xuân năm 2021, Minh Châu vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An xét công nhận xã đạt chuẩn NTM với 19/19 tiêu chí, tặng bằng khen và thưởng 1 công trình trị giá 500 triệu đồng. Dịp này, UBND huyện Diễn Châu tặng giấy khen cho xã Minh Châu vì đã đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng đời sống văn hóa, đạt chuẩn xã văn hóa NTM.
Xây dựng NTM gắn với việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là một quá trình lâu dài. ở những dịa phương mới sát nhập xã mới như Minh Châu phía trước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiêu với kết quả bước đầu đáng khích lệ là động lực để Minh Châu vươn lên xây dựng thành công trình mô hình xã NTM nâng cao vào năm 2026. Thành công của xã Minh Châu còn là bài học kinh nghiệm cho hơn 80 xã ở tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai sát nhập xã mới, giai đoạn 2019-2025.