Đằm thắm một tình yêuvượt qua tuyến lửa

Thứ năm - 05/01/2023 02:11 177 0
Tình yêu của vợ chồng Đại tá Trịnh Huy Thục vẫn đằm thắm, bền chặt như thuở ban đầu, cho dù thời gian đã đi qua hơn nửa thế kỷ. Tình yêu ấy đã được thử thách qua lửa đạn, những năm tháng đợi chờ và những bộn bề của cuộc sống đời thường.
Niềm vui sum vầy bên con cháu của vợ chồng Đại tá Trịnh Huy Thục
Niềm vui sum vầy bên con cháu của vợ chồng Đại tá Trịnh Huy Thục
Lời ước hẹn ngày về
Lần giở cuốn an – bum ảnh của gia đình, Đại tá Trịnh Huy Thục (SN 1951) chợt dừng lại rất lâu trước bức ảnh vợ chồng ngày mới cưới. Bức ảnh đen trắng, khổ nhỏ, nước ảnh còn khá tốt, in rõ hình người chiến sỹ giải phóng và cô gái chốn thôn quê. Ngồi cạnh chồng, bà Trần Thị Thảo (SN 1952) nhớ lại: “Bức ảnh này chụp trước ngày cưới, khi ông ấy về phép năm 1973 và tranh thủ tổ chức lễ thành hôn. Trước ngày cưới, vợ chồng rủ nhau sang thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) chụp ảnh. Mới đó mà gần 50 năm đã đi qua, cứ ngỡ như mới vừa mới 4 – 5 năm vậy”.
          Hôm ấy, trong căn nhà nhỏ nằm cuối con ngõ thuộc khối Yên Sơn, phường Hà Huy Tập (TP. Vinh), vợ chồng Đại tá Trịnh Huy Thục dành cho chúng tôi một buổi chiều để chia sẻ những kỷ niệm tình yêu. Ông Thục mở đầu câu chuyện: “Tôi và bà ấy cùng lứa tuổi, ở cùng làng, sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Tài, nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Chơi thân với nhau từ nhỏ, đến tuổi trưởng thành cảm mến nhau và được gia đình đôi bên hứa hẹn, bạn bè vun vén”.
          Khi những cảm xúc yêu đương bắt đầu trào dâng cũng là lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Năm 1969, chàng trai “xứ nhút” từ giã gia đình, tạm biệt người yêu thương để lên đường nhập ngũ, rồi vượt vĩ tuyến 17 vào chiến trường miền Nam. Ngày lên đường, ông Thục ngập ngừng nắm bàn tay người yêu và nói: “Chiến tranh vô cùng ác liệt nhưng anh nhất định sẽ trở về…”. Khi đến rặng tre đầu làng, ngoái lại nhìn, bóng dáng nhỏ bé của người con gái yêu thương vẫn dõi theo trong ánh nắng vàng rực. Từ đó, bắt đầu chuỗi tháng ngày nhớ nhung, âu lo, hy vọng và xem lời tiễn biệt là lời ước hẹn.
          Người lính trẻ Trịnh Huy Thục được bổ sung quân số cho Trung đoàn 260, Bộ Tư lệnh Công binh, hoạt động trên Tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Nhiệm vụ của đơn vị là hỗ trợ, phục vụ các đoàn xe vận tải chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Công việc hàng ngày là san lấp hố bom, tu sửa cầu, phà để tuyến đường thông suốt, cho những đoàn xe tiến vào mặt trận an toàn. Ở những nơi được xem là “tọa độ lửa” ác liệt, tiếng bom rơi, đạn nổ trở nên quen thuộc, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá đỗi mong manh. Có khi hàng chục chiếc máy bay địch lao xuống cắt bom, khói lửa trùm lên cả con đường rừng cây, khi chúng đã đi xa, những người lính công binh mới chắc chắn mình còn sống sót.
          Cuộc chiến càng khốc liệt, nỗi nhớ thương của người lính trẻ càng sâu nặng. Những ngày bình yên, các đoàn xe qua phà, vượt ngầm an toàn, có được giây phút thảnh thơi, ông Thục lại ngồi viết thư gửi người yêu ở quê nhà. Mỗi lá thư gửi về là một niềm hy vọng, mỗi lần gửi là thêm một lần ngóng chờ tin tức từ hậu phương. Ông Thục không thể nhớ nổi đã gửi bao nhiêu lá thư trong 4 năm ở Trường Sơn, chỉ nhớ nhận được một lá thư hồi âm của người yêu vào giữa mùa Hè năm 1972.  Lá thư dù không có một lời yêu thương nhưng người lính vẫn cảm nhận được một tình yêu rực cháy và nỗi nhớ trào dâng, cùng một niềm tin son sắt, tràn đầy.
“Hậu phương, tiền tuyến nhớ thương vô cùng…”

Rất tiếc, do mưa bão, lũ lụt và mấy lần chuyển nhà, những lá thư năm xưa giờ không còn. Nhưng hơn 50 năm đã đi qua, ông Trịnh Huy Thục vẫn lưu giữ cuốn sổ tay ghi những bài thơ dọc đường hành quân. Ở đây, chủ yếu là ghi lại cảm xúc khi nhớ về quê hương, gia đình và nhớ người yêu bé nhỏ chốn hậu phương. Đây là những câu thơ trong bài “Yêu em” được viết năm 1972: “Anh yêu em như yêu ngàn hoa lá/Đang xanh tươi, óng ả như mùa Xuân/ Anh yêu em như tiếng nói xa gần/ Đang thúc dục tinh thần em tiến bước…”. Cũng trong năm 1972, ông Thục viết bài thơ “Trông chờ” để diễn tả nỗi nhớ thương: “Xa nhau dăm bảy dặm đường/ Hậu phương, tiền tuyến nhớ thương vô cùng/ Tình ta hai ngả vấn vương/ Một rằng mong ước, hai rằng nhớ thương…”.

          Còn cô thôn nữ Trần Thị Thảo, tiễn người yêu lên đường rồi lại trở về với công việc ruộng đồng, làm bạn cùng cây lúa, luống khoai và chăm sóc bố mẹ già, cùng bà con trong đội sản xuất lo gieo trồng, cấy hái. Sau một ngày bận rộn, cô thôn nữ ấy lại dành hết tâm trí cho người yêu đang ở chốn hòn tên, mũi đạn. “Hàng ngày nghe đài, tôi biết chiến trường ngày càng ác liệt, nhiều người lính đã hy sinh nên vô cùng nhớ thương, lo lắng cho người yêu. Tôi đã viết hàng chục lá thư gửi theo địa chỉ đơn vị của anh ấy nhưng chỉ nhận được một lá hồi âm. Những năm tháng ấy tâm trí tôi luôn cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”, một nửa cuộc sống dành cho anh ấy”, bà Thảo chia sẻ.
          Năm 1973, ông Thục được cử ra miền Bắc học sỹ quan, tranh thủ “thời cơ vàng” xin nghỉ phép về cưới vợ. Đám cưới được tổ chức đơn sơ nơi làng quê nghèo, chú rể với bộ quân phục từ chiến trường, cô dâu mặc chiếc áo sơ mi trắng, chiếc quần lụa đen được cất giữ từ mấy năm trước. Sau những ngày mặn nồng hạnh phúc, người lính lại lên đường học tập, rèn luyện và một thời gian sau trở vào chiến trường làm sỹ quan chỉ huy. Người vợ lại tiếp tục với công việc cày bừa, cấy hái và chăm sóc bố mẹ đôi bên, hai người lại “ở hai đầu nỗi nhớ”.
          Đại tá Trịnh Huy Thục rất đỗi tự hào khi có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ông nhớ lại: “Ngay sau giờ phút chiến thắng, tôi lấy giấy bút ra viết vội một lá thư báo cho vợ biết rằng mình đã có mặt trong đoàn quân chiến thắng, sẽ trở về thăm nhà trong một ngày không xa”.
          Lúc bấy giờ, ở hậu phương, bà Thảo hàng ngày theo dõi tin tức và biết các cánh quân đang áp sát Sài Gòn, ngày chiến thắng đã đến rất gần. Niềm vui vỡ òa trong ngày 30/4/1975, trong niềm vui chung, bà Thảo vẫn chất chứa những âu lo và niềm hy vộng không nói thành lời. Rồi niềm vui trọn vẹn khi mấy tuần sau bà nhận được thư chồng gửi từ Sài Gòn trong ngày chiến thắng.
          Bà Trần Thị Thảo chia sẻ: “Tôi tự hào là vợ lính, luôn dõi theo bước chân của chồng suốt gần 40 năm binh nghiệp. Qua bao thử thách, gia đình vẫn luôn giữ vẹn hạnh phúc, nay con cháu đuề huề, cuộc sống đã thảnh thơi, tình cảm vợ chồng vẫn luôn đằm thắm”.
                                                                                      CÔNG KIÊN
 

Tác giả bài viết: Công Kiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây