Ngoài các nội dung chương trình của lớp theo kế hoạch; một niềm vui khó tả là lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ CCB cho cán bộ Hội CCB cơ sở vinh dự được đón trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Anh hùng Lao động – Anh hùng Liên xô – Huân chương Lê Nin – Nhà du hành Vũ trụ Phạm Tuân đến thăm và nói chuyện, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm tròn 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 – 18/12/2022).
Không quản mệt nhọc qua chặng đường dài từ Hà Nội về Yên Thành; sau những cái bắt tay nồng ấm như người thân ruột thịt với mỗi cán bộ và học viên của lớp và sau khi nhận bó hoa tươi thắm mà đồng chí Thái Sơn Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện thay mặt cho lãnh đạo đảng, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thành cùng đồng chí Trần Duy Thiều chủ tịch Hội CCB huyện, thay mặt cho gần 11.000 cán bộ hội viên CCB trong huyện trao tặng. Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Anh hùng Lao động – Anh hùng Liên xô – Huân chương Lê Nin – Nhà du hành Vũ trụ Phạm Tuân bước lên bục với nụ cười rạng rỡ, phúc hậu. Sau lời chào thân thiết và giới thiệu khiêm tốn về bản thân; với chất giọng âm vang, đỉnh đạc, chân thành, Phạm Tuân kể về những trận chiến đấu quả cảm của Không quân Việt Nam với Không quân Mỹ trong 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972 thực sự xúc động. Nhớ lại lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói ngày 19/12/1967: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”
Với cuộc chiến đấu không cân sức về vũ khí giữa Không quân Việt Nam với Không quân Mỹ trên bầu trời Hà nội, nhưng các phi công Việt Nam đã liên tục xuất kích trong điều kiện sân bay chính đã bị máy bay Mỹ đánh phá hư hỏng nặng, phải sử dụng các sân bay tiền tiêu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An …; trên bầu trời thì các loại nhiễu dày đặc, màn hình Ra đa dẫn không phát hiện được mục tiêu. Nhưng với phương châm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là “Tìm giặc mà đánh”;“Vừa chiến đấu vừa nghiên cứu cách đánh để quyết tâm tiêu diệt B52 và không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội”; “Đánh cho được B52”?
“Chưa bắn rơi được B52 thì không quân vẫn coi đó là món nợ và chịu sức ép rất nặng nề, vì tất cả các loại máy bay khác không quân đều bắn rơi rồi, chỉ còn B52 thôi, đây là sức nặng đè lên Không quân, trách nhiệm của phi công rất lớn. Tôi là một trong những phi công nòng cốt trong phi đội bay đó, người ta cũng đều nhìn nhận và gửi gắm vào mình nhưng chưa làm được” – Trung tướng Phạm Tuân chia sẽ.
Với tốc độ bay khủng khiếp, kỷ năng nhào lộn khủng khiếp, ý chí kiên cường tìm B52 để đánh, với hai quả tên lửa phóng thẳng vào B52, Anh hùng Phạm Tuân đã tiêudiệt tan xác siêu pháo đài bay B52 – “quả đấm thép” của Không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè khắp năm châu; làm cho các nhà nghiên cứu chiến tranh thế giới ngỡ ngàng; làm nhụt ý chí của phi công Mỹ nói riêng và đã làm cho chính quyền Mỹ lo sợ.
Phạm Tuân cũng không quên kể lại gương anh hùng dũng cảm hy sinh của phi công – Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều khi quyết tâm áp sát B52 để tiêu diệt bằng được; với 2 quả tên lửa cùng phóng thẳng vào mục tiêu, chiếc B52 đã nổ tung, vì cự ly quá gần nên MiG-21 của Vũ Xuân Thiều dù đã cố gắng bứt ra khỏi vòng lửa nhưng không kịp quay về.
Trong 12 ngày đêm lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 pháo đài bay B52; (riêng Hà Nội đã bắn rơi 25 B52) và đã buộc chính quyền Mỹ quay lại bàn đàm phán GioNeVo, chấp nhận mọi điều kiện của Việt Nam là buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, rút hoàn toàn quân về nước. Đây là một thắng lợi vô cùng quan trọng có ý nghĩa lớn tạo điều kiện cho quân và dân ta hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước bằng chiến dịch mùa xuân năm 1975.
Tiếp đó Trung tướng – Anh hùng Phạm Tuân cũng đã kể về chuyến bay vào vũ trụ cùng các nhà du hành vũ trụ Liên xô năm 1980 trong 8 ngày đêm ngoài không gian trái đất, đã chứng minh cho cả thế giới biết rằng: Dân tộc Việt Nam đã và đang sánh vai với các cường quốc năm châu trên toàn thế giới; trên trạm vũ trụ đã có đất Việt Nam, cờ Việt Nam, ảnh Bác Hồ và một số hiện vật khác.
Sáu mươi phút trôi qua thật nhanh, những khóe mắt của nhiều học viên chưa kịp lau khô vì cảm động. Tự hào và thầm cảm ơn các anh hùng, liệt sĩ và các thế hệ CCB đi trước đã quên mình vì Tổ quốc Việt Nam. Chúng tôi, những học viên của lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ CCB – những CCB trên quê hương Yên Thành, tỉnh Nghệ An sẽ cố gắng tu dưỡng rèn luyện, sáng tạo cống hiến, tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ CCB đi trước, phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho trong thời kỳ mới./.
Bài và ảnh: Phan Đăng Hải