Trước đây, gia đình bà Vi Thị Thực ở xóm Đồng Minh, xã Châu Thái thuộc diện hộ nghèo xã. Được Hội CCB xã hướng dẫn, gia đình bà đã vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư trồng rừng và chăn nuôi lợn. Bà Thực cho biết trong quá trình chăn nuôi, gia đình bà đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến nay gia đình bà đã trở thành mô hình điển hình của hội CCB Châu Thái. Hiện tại gia đình bà đang sản xuất 8ha keo và chăn nuôi 15 con lợn nái. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi có tổng thu nhập trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng rừng. Bà Vi Thị Thực, xóm Đồng Minh xã Châu Thái, Quỳ Hợp chia sẻ: “Qua vay vốn ngân hàng chính sách 50 triệu rồi gia đình trồng keo được 1 vụ 5 năm thì gia đình trả đi gốc còn lưa lại một số tiền gia đình dành làm vốn và chăn nuôi lợn. Qua nguồn vốn gia đình thấy có lợi rất nhiều, có vốn nay thì gia đình mới có làm ăn bớt khó khăn, mua sắm đồ dùng các thứ và kinh tế gia đình tạm ổn”
Cũng như gia đình bà Thực, gia đình CCB Vi Đức Chú được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ vốn vay sản xuất kinh doanh, để có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Hiện gia đình anh trồng 5ha rừng sản xuất, đầu tư sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và thu mua keo đã mang lại thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hàng tháng anh đều trả lãi đúng kỳ hạn, đến nay gia đình anh đã có kinh tế ổn định. Vi Đức Chú, CCB xóm Đồng Minh xã Châu Thái cho hay:“Trước kia gia đình cũng rất khó khăn, hai vợ chồng lấy nhau rồi ra iêng không có điều kiện phát triển kinh tế may mắn được vay nguồn vốn của chính sách xã hội vay 50 triệu tôi có trồng được 5ha keo. Sau thu hoạch keo vụ đầu tiên tôi có trả được tiền vay vốn của ngân hàn và mở rộng thêm kinh doanh phân bón vơi thức ăn chăn nuôi và mở trạm thu mua keo. Tổng thu nhập của gia đình thì 1 năm khoảng trên 150 triệu trừ chi phí”
Hội CCB xã Châu Thái hiện có hơn 300 hội viên sinh hoạt ở 13 chi hội. Thời gian qua, Hội đều phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Để quản lý vốn hiệu quả, hội đã rà soát lập danh sách, khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng hội viên nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định. Từ đó, có phương án tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để xây dựng các mô hình kinh tế. Bên cạnh đó hội còn phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên và người dân. Tổ chức các chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm cho hội viên tại các mô hình kinh tế tiêu biểu. Qua đó, giúp hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Từ đó, đời sống của hội viên CCB trên địa bàn xã từng bước được nâng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Từ năm 2022 đến nay, hội CCB đã giúp đỡ 6 hộ hội viên CCB thoát nghèo, góp phần nâng tỷ lệ hộ nghèo giảm còn10,2%. Ông Vi Văn Vinh Chủ tịch CCB Châu Thái, Quỳ Hợp cho biết thêm: “Tính đến nay riêng CCB vay vốn của NHCSXH là trên 9 tỷ đảm bảo công ăn việc làm cho bà con nhân dân đặc biệt là hội CCB. Đến thời điểm này cơ bản các hộ vay vốn thì đã phát huy được nguồn vốn vay đảm bảo cuộc sống cho gia đình hội viên. Trong thời gian tới CCB mong muốn NHXH quan tâm hơn nữa về công tác vốn vay nâng mức vốn vay từ 50 triệu lên đến 100 triệu để bà con được vay nhiều hơn”
Từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua Hội Cựu chiến binh đã thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh của hội viên CCB Châu Thái góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao đời sống cho hội viên cựu chiến binh, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thanh Hợp-Minh Nguyệt