Cách đây 76 năm, vào ngày 27/7 trong thư gửi Ban thường trực của Ban Tổ chức: “Ngày thương binh toàn quốc” Bác nói đó là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ ý yêu mến thương binh. Bác là người đề xuất phong trào “đón thương binh về làng” với những việc làm rất cụ thể. Bác khuyên thiếu nhi lập phong trào Trần Quốc Toản, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” để giúp đỡ gia đình bộ đội và thương binh. Bác kêu gọi đồng bào cả nước thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực. Trong lúc chống nạn đói, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp đỡ đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ thương binh.
Chính Người đã gương mẫu thực hiện lời kêu gọi đó: “Tôi xin xung phong gửi chiếc áo lụa chị em phụ nữ đã biếu tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ Tịch cộng lại là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1127đ)”. Nhân ngày 27/7 năm nay Bác trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh. Những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác tặng lại các đồng chí thương binh.
Tháng 9 năm 1951, bác gửi thư cho anh em thương binh trại dệt chiếu Tuyên Quang. Như tình cảm cha con ân tình tỉ mỉ Bác hỏi: “Học dệt chiếu cần bao nhiêu ngày tháng? Trung bình dệt một chiếu cần bao nhiêu giờ, bao nhiêu vốn? Bán một chiếu được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu có đủ ăn, đủ mặc không?”
Một hôm trời oi bức, bác đến thăm Trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Khi tới chỗ các anh chị thương binh nặng, nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa dùng chiếc quạt giấy quạt cho anh em. Mấy hôm sau, sau khi các đồng chí phục vụ lắp vào phòng của Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ, Bác không dùng mà nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần. Bác ở thế này là được rồi”.
Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá, vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương bệnh binh, cổ vũ động viên tinh thần vô giá.
Đáp lại tình cảm đó bằng tinh thần và nghị lực của mình, nhiều thương bệnh binh và gia đình Liệt sĩ đã có nhiều cố gắng vươn lên tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất và học tập, họ không những tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ tạo dựng một cuộc sống tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng lời Bác dạy: “thương binh tàn nhưng không phế”.
Trong bản di chúc lịch sử trước lúc đi xa có phần Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở các lớp dạy nghề thích hợp với mọi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh””.
Đối với Liệt sĩ, mỗi địa phương thành phố, làng xã cần xây dựng vườn hoa, bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng để giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm, Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất cho các cháu ấy đi học thêm các ngành các nghề để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường tư tưởng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Việc chăm sóc sức khỏe nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương binh, bệnh binh và gia đình Liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương chính sách một cách cụ thể để áp dụng cho các đối tượng. Chính nhờ vậy đền ơn đáp nghĩa đã, đang và sẽ được nhân dân ta nhân lên và phát huy một cách thiết thực, đem lại hiệu quả to lớn hơn theo tư tưởng Hồ Chí Minh và những lời nhắc nhở của Người./.