MẸ ANH HÙNG, CON KIÊN CƯỜNG DÙNG CẢM

Thứ ba - 01/08/2023 23:25 188 0
Tháng bảy, tháng tri ân các Anh hùng liệt sĩ, chúng tôi đến thắp hương cho mẹ Trần Thị Lẹp, Mẹ Việt Nam anh hùng, sinh quán ở xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam có chồng là liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Pháp và 2 con trai liệt sĩ chống Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Hường người con gái thứ 4 hiện nay thờ phụng  Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lẹp
Bà Nguyễn Thị Hường người con gái thứ 4 hiện nay thờ phụng Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lẹp
Hiện nay gia đình chỉ còn người con gái lấy chồng về xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Di ảnh bằng Tổ quốc thi công của các liệt sĩ, bằng phong tặng bà Mẹ Việt Nam anh hùng được rước về để thờ cúng tại nhà anh Nguyễn Duy Lạc con rể của mẹ.
Trong khói hương nghi ngút bà Nguyễn Thị Hường con gái thứ tư của mẹ nghẹn ngào kể lại. Bố tôi là Nguyễn Đức Nhã sinh năm 1905 lớn lên trong một gia đình nghèo khổ. Năm 1949 ông di dân công hỏa tuyến phục vụ tại Mặt trận miền Nam. Năm 1950 tham gia Bộ đội địa phuơng ở huyện và bị địch bắn chết tại Gò Vàng xã Phúc Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, được công nhận là liệt sĩ. Mẹ tôi, Trần Thị Lẹp sinh năm 1907, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 mẹ được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã liên tục trong 5 năm 1945 – 1950, mẹ  được phân công đi vận động quần chúng khai hoang trồng thêm khoai sắn để nuôi quân. Năm 1950 mẹ phải tần tảo nuôi 4 đứa con còn nhỏ.
Khi bọn Ngụy về đóng bốt tại xã Phúc Sơn, huyện Tiên Phước mẹ nhận nhiệm vụ thu thập tài liệu chuyển về cho Ban An ninh xã. Đầu năm 1963 vì có kẻ phản bội, khi đi chợ về bị bọn địch bí mật phục kích và bắn mẹ chết tại Gò Vàng, nơi bố tôi hy sinh trước đây. Gia đình tôi có 8 anh em thì 3 người anh và một người em gái bị chết đói năm 1945. Anh đầu Nguyễn Đức Trụ, sinh năm 1935 vừa tròn 20 tuổi xung phong vào Đội du kích xã sau đó bổ sung cho Bộ đội địa phương của huyện. Tết Mậu Thân năm 1968 anh tôi bị địch bắn chết tại Điện Bàn, huyện Duy Xuyên được công nhận là liệt sĩ. Noi gương người bố và người anh cả, em trai thứ 8 là Nguyễn Đức Thám lại xung phong lên đường nhập ngũ. Năm 1972 hy sinh anh dũng tại mặt trận Tây Nguyên. Căm thù giặc Mỹ năm 1963 Hường vừa tròn 20 tuổi lại xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đội 2, Tiểu đoàn 4, E2 Công trường 1. Suốt 5 năm Hường được phân công cùng một số chiến sĩ gái đi khai hoang trồng sắn để nuôi quân. Nhiều lúc Hường nghĩ: Đi Bộ đội là phải cầm súng để giết giặc chứ đâu phải cầm cuốc như ở nhà thế này. Nhưng nhớ đến lời Bác Hồ dạy: Thực túc thì binh cường. Bộ đội có ăn no mới đánh thắng được giặc, ai cũng cầm súng thì lấy gạo đâu mà ăn. Việc tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam đang gặp khó khăn, cho nên phải tự lực cánh sinh bảo đảm hậu cần tại chỗ để đánh giặc Mỹ. Hường đi giải thích cho chị em thấy được sản xuất cũng là một mặt trận chiến đấu gay go gian khổ. Hường tự động viên mình và càng hăng say tăng gia sản xuất.
Năm 1969 Hường được cử đi học trở thành quân Y sỹ, cấp trên phân công về phục vụ tại Trạm xá của Trung đoàn. Không quản khó khăn và thiếu thốn, ngày đêm Hường tận tình chăm sóc thương binh. Bốn lần máy bay Mỹ đánh bom vào Trạm xá, Hường bị thương 2 lần vào chân nhưng vẫn lao vào lửa đạn cõng thương binh ra khỏi vòng nguy hiểm cứu sống được hàng chục chiến sĩ. Trong đó có Trung uý Nguyễn Duy Lạc, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Công trường 1. Trong thời gian điều trị ở bệnh xá Hường thấy Lạc là một cán bộ gương mẫu, trong mọi công tác đều hăng hái xung phong. Hường rất mến phục và có cảm tình với Lạc. Ngoài thời gian chăm sóc bệnh nhân, Hường thường đến động viên Lạc và kể mọi chuyện về gia đình mình cho Lạc nghe. Lạc cảm phục tinh thần chịu đựng gian khổ, dám hy sinh thân mình của người con gái Quảng Nam. Tuy ở xa nhau nhưng 2 trái tim cùng một nhịp đập, hai người tìm hiểu nhau và yêu nhau say đắm. Năm 1974 đơn vị tổ chức lễ cưới cho 2 người tại Trạm xá Trung đoàn.
Năm 1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, nước nhà thống nhất, hai vợ chồng về thăm quê ngoại nhưng gia đình không còn ai nữa, nhà cửa tan hoang. Hường tìm đến gặp cụ Nguyễn Đức Thải, Trưởng họ Nguyễn Đức còn sống sót và xin phép cụ cho phép rước bình hương và di ảnh của bố mẹ và các em về quê chồng để thờ cúng. Năm 1997 mẹ Trần Thị Lẹp được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trên bàn thờ ở giữa là bằng chứng nhận Mẹ Việt Nam anh hùng, bên phải, bên trái là bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Đức Nhã và 2 đứa con là liệt sĩ Nguyễn Đức Trụ và Nguyễn Đức Thám, phía dưới là di ảnh của Thượng uý Nguyễn Duy Lạc chồng của bà Hường mất năm 2013. Nhìn cảnh tượng đó không ai cầm được nước mắt, bà Hường nói với chúng tôi: Năm nay tôi 84 tuổi, cha mẹ hai anh em trai và chồng đã mất nỗi đau đó không bao giờ quên được, nhưng tôi về làm dấu ở đây được bà con làng xóm tận tình đùm bọc và nhất là chồng tôi đã để lại 3 đứa con trai, 2 con gái và 10 đứa cháu. Các cháu mang trong mình dòng máu Quảng Nam anh dũng, Nghệ An Xô Viết anh hùng, nên các con ngoan ngoãn, sống chịu thương,chịu khó; nhìn con cháu trưởng thành tôi cũng vơi đi nỗi buồn và nghĩ trách nhiệm của mình là một CCB ngày ngày động viên mọi người vượt qua mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Tác giả bài viết: Trường Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay6,872
  • Tháng hiện tại199,719
  • Tổng lượt truy cập1,329,429
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây