Tính đến ngày 16/5/2023 tổng dư nợ thông qua uỷ thác là 24.755 triệu đồng tăng trưởng 4,3 tỷ đồng so với đầu năm. Thông qua các đợt kiểm tra của NHCS tỉnh Nghệ An và Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, xã Nghi Long đều được đánh giá một trong những đơn vị tốp đầu về tăng trưởng, hiệu quả sử dụng và phát huy nguồn vốn rất thiết thực. Thực hiện công văn số 914/NHCSXH chi nhánh Nghệ An. Nghị quyết số 70 của BĐDHĐQT-NQ ngày 20/10/2022 của Ban đại diện HĐQT-NHCSXH huyện Về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV. Ban giảm nghèo đã rà soát tham mưu cho lãnh đạo UBND xã kiện toàn tổ trưởng tổ TK&VV trẻ, có trình độ năng lực trong chuyển đổi số, nhiệt tình, trách nhiệm tận tuỵ công việc, tiếp thu nhanh, đáp ứng với yêu cầu công việc. 100% đội ngũ cán bộ từ Ban giảm nghèo đến Trưởng các đoàn thể, xóm trưởng và ban quản lý tổ, hàng năm đều tham gia tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức hiểu biết về chức năng, nghiệp vụ thực hiện tín dụng vốn vay uỷ thác. Ban giảm nghèo xã đã thường xuyên sâu sát nắm bắt, trao đổi thông tin, phân tích đánh giá tìm ra nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục, củng cổ các vấn đề, hạn chế, chỉ đạo các tổ chức Hội nhận uỷ thác kết hợp với tổ TK&VV kiểm tra 100% hộ vay vốn trong vòng 30 ngày, nâng cao vai trò kiểm tra giảm sát, giúp các hộ nghèo và các đối tượng vay vốn sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, để họ ổn định cuộc sống và trả nợ cho Ngân hàng CSXH, đồng thời giám sát chặt chẽ các tổ TK&VV để đảm bảo việc sâu sát đôn đốc trả nợ gốc và thu lãi tiền vay, thu tiết kiệm, được thực hiện một cách có hiệu quả.
Từ nguồn vốn vay, các đối tượng thụ hưởng đã đầu tư vào sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, mở rộng các gia trại, sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP3 sao, hình thành các chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Các mặt hàng tiêu biểu như: Dưa lê vàng, dưa hấu, dưa chuột, hoa ly, hoa cúc, rau củ quả sạch, mở rộng sản xuất kinh doanh đa ngành nghề như: Ô tô vận tải khách, vận tải hàng, xưởng mộc, xưởng hàn nhôm kính, buôn bán thương mại.v.v..Tiêu biểu như: Mô hình hộ hội viên CCB Nguyễn Viết Giáo xóm Bắc Sơn từ nhiều năm làm ăn thua lỗ còn nợ trên 300 triệu đồng loay hoay không tìm ra lối thoát để trả nợ. Song từ khi được tiếp nhận vay vốn Ngân hàng CSXH đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng mộc tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, mức lương thu nhập hàng tháng từ 6 đến 12 triệu đồng trên người. Sau 3 năm gia đình CCB Nguyễn Viết Giáo đã trả hết nợ và doanh thu trừ chi phí còn thu lãi hàng năm trên 300 triệu đồng. Mỗi lần tiếp xúc gặp gỡ ông và gia đình vô cùng biết ơn Hội CCB đã tạo điều kiện từ nguồn vốn vay NHCSXH cho gia đình ông vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng.
Mô hình vay vốn đầu tư mua xe ca kinh doanh vận tải khách của CCB Nguyễn Đạo Huệ ở xóm Bắc Sơn, chuyên chở các cháu học sinh đi về vừa tránh mưa, nắng, vừa an toàn,vừa tạo cho các bậc cha, mẹ an tâm đi làm việc. Hàng năm trừ chi phí gia đình ông Huệ thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 3-4 lao động. Từ chỗ kinh doanh hiệu quả, hàng năm gia đình ông đã ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các hoạt động của xóm, của hội, ủng hộ phòng, chống dịch COVId- 19 ở huyện cũng như giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn hoạn nạn...
Mô hình sản xuất trong nhà lưới của CCB Trần Quốc Hùng, Cao Văn Mão, Trần Hữu Liên, Nguyễn Hữu Hải, Nguyễn Tứ Ngọ và nhiều hộ khác ở Kim nghĩa, sản xuất các loại dưa, các loại hoa và các loại rau, củ, quả sạch hàng năm trừ chi phí đầu tư còn lãi ròng từ 200 đến 300 triệu đồng. Với 554 hộ vay vốn NHCSXH, số dư 24,755 tỷ đồng, đã tạo cho hàng ngàn lao động có công việc làm thu nhập khá ổn định, tốc độ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những tấm gương sáng, cổ vũ cho mọi người học tập noi theo.
Thông qua việc thực hiện Tín dụng chính sách xã hội của Ban giảm nghèo xã qua các tổ chức hội đoàn thể nhận uỷ thác đã tạo được kênh dẫn vốn tín dụng chính sách nhanh nhất, gần nhất đến các đối tượng được thụ hưởng, thông qua việc bình xét cho vay công khai, đã có tác động tích cực đến tính năng sáng tạo của các hộ vay vốn, khuyến khích việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, tạo khả năng phát huy thế mạnh của các tổ chức đoàn thể trong việc tập hợp lực lượng từ cơ sở. Việc bình xét cho vay, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ gốc, lãi của các đối tượng thụ hưởng được thuận lợi hơn. Việc nhận uỷ thác các tổ chức hội và các tổ TK&VV được chi trả phí uỷ thác và hoa hồng đã tạo điều kiện cho các tổ chức hội có thêm nguồn hoạt động, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động phong trào công tác hội. Góp phần tích cực đưa xã Nghi Long sớm về đích nông thôn kiểu mẫu vào năm 2024./.