Như thường lệ, bà Trần Thị Ninh, thôn Tân Phong, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An, vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn lại tỉ mỉ sửa sang lại bàn thờ, mua sắm hoa… về chuẩn bị cho ngày giỗ của chồng khi ngày 14/3 đã cận kề.
Bà Ninh và ông Sơn vốn là người cùng làng và là bạn học của nhau. Học hết cấp 3, ông bà xin phép 2 bên gia đình làm lễ cưới. Cưới nhau được 4 tháng, tháng 2/1982 ông Sơn lên đường nhập ngũ. Ít năm sau, đứa con trai đầu lòng của hai vợ chồng là Phan Huy Hà chào đời nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ.
Năm 1988, đơn vị cho anh Sơn về phép 4 tháng. Còn 15 ngày mới hết phép thì anh nhận được lệnh triệu tập khẩn đi tăng cường ra Gạc Ma, làm y sĩ trên tàu HQ 604. Lúc đó tôi đang mang bầu đứa thứ 2, anh hy sinh khi con vẫn chưa kịp chào đời”, bà Ninh nghẹn ngào nói.
35 năm qua, kỷ vật duy nhất đến giờ bà Ninh còn lưu giữ là bản phô tô, ép plastic bức thư cuối cùng của liệt sỹ Phan Huy Sơn. Bà Ninh lần giở những trang thư, những tấm ảnh đã ố vàng cho chúng tôi xem. Cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những giọt lệ rưng rưng xúc động.
Liệt sĩ Phan Huy Sơn trong mắt người vợ của mình là người chu đáo và hết mực thương yêu vợ con. “Anh dặn dò đủ thứ trước khi đi, rồi khi ra tới nơi lại còn gửi thư về dặn dò”, bà Ninh nhớ lại và cho biết ngày 9/3/1988, bà nhận được bức thư của chồng gửi về trước khi lên đường ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ. 35 năm trôi qua, bức thư cuối cùng chồng gửi về trước khi hy sinh vẫn được bà Ninh gìn giữ cẩn thận, nguyên vẹn. Ngoài những lời căn dặn, bà Ninh còn nhận được một tấm vải của chồng gửi để may áo. “Anh gửi em 1 quần pho, 1 tấm vải xẹc (em đóng áo mà mặc), 2 gói mì chính (ngoại 1 gói + nội 1 gói) để em và con dùng và 50 nghìn đồng để em bồi dưỡng lúc sinh đẻ hoặc mua cái gì đó để làm vốn…”.
Người vợ trẻ phải vượt lên nỗi đau mất chồng, gắng gượng chăm sóc con gái Phan Thị Trang. Chị Trần Thị Ninh nghẹn ngào nhớ lại: "Nhận được tin chị không muốn sống thật nhưng phải cố vươn lên, để cháu thứ hai sinh ra được khỏa mạnh. Sau sinh ra một bé gái bình thường, từ đó là nguồn động viên cho mình".
Khó có thể kể hết những nhọc nhằn của người vợ liệt sĩ trong suốt 35 năm một mình gồng gánh nuôi hai đứa con thơ. Một mình chị vừa bươn chải trên đồng ruộng kiếm sống, vừa nuôi con nhỏ. Đứa con lớn bị dị tật bẩm sinh càng thêm khổ. Đói khổ, thiếu thốn đủ đường, chị nhờ vả bà con, họ hàng, các ban ngàn đoàn thể xã giúp đỡ.
Năm 2006 với sự giúp đỡ của đồng đội, chị Trần Thị Ninh xây được căn nhà 3 gian, có nơi thờ cúng chồng. Người con gái của chị cũng tìm được việc làm, phụ giúp mẹ. Nhưng điều khổ tâm nhất với chị Ninh là người con trai đầu Phan Huy Hà, bệnh tình ngày càng trở nặng. Đã gần 40 tuổi nhưng anh Hà vẫn không biết nói, không tự chăm sóc được bản thân, ngay cả khi ăn cũng phải xay nhuyễn để đút từng thìa.
Bà Ninh vẫn miệt mài chăm sóc chu đáo cho con trai đầu để không phụ công lao của chồng. Mỗi năm, cứ đến ngày liệt sĩ Phan Huy Sơn hy sinh, bà lại ra nghĩa trang liệt sĩ của xã, ngồi bên chiếc mộ gió, cầu cho anh linh của chồng phù hộ độ trì cho mẹ con được bình an.