NGUYỄN CẢNH NIÊM KÝ ỨC MỘT THỜI ĐÁNH GIẶC

Thứ ba - 12/04/2022 21:04 118 0
Vào dịp đầu xuân Nhâm Dần năm 2022, tôi đến thăm CCB Nguyễn Cảnh Niêm ở khối 2, thị trấn Đô Lương (Nghệ An) người chiến sỹ Đặc công của Quân đội ta. Qua trò chuyện ông không khỏi bồi hồi xúc động nhớ về một thời trận mạc với những trận đánh ác liệt, về quá khứ gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi tự hào.
CCB Nguyễn Cảnh Niêm ở khối 2 thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương
CCB Nguyễn Cảnh Niêm ở khối 2 thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương
          Năm 1966 khi tròn 18 tuổi, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sỹ mới tại Đoàn 22 Quân khu IV, ông được biên chế về Sư đoàn 325 tham gia chiến đấu tại Mặt trận Khe Sanh - Quảng Trị. Do yêu cầu nhiệm vụ đầu năm 1969 ông được cử về trường Sỹ quan Lục quân 1 học lớp bổ túc cán bộ đại đội và được chuyển sang trường Sỹ quan Đặc công học chuyên ngành. Sau khi học xong chuyên ngành, ngày 26/3/1970 ông đươc bổ sung vào Tiểu đoàn 206 Đặc công vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Từ  năm 1970 đến ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 với chức vụ Tiểu đoàn trưởng, ông đã trực tiếp chỉ huy và chiến đấu nhiều trận đánh và chiến dịch tiêu biểu.
Tôi hỏi ông: sắp tới ngày chiến thắng 30/4 là người lính trong kháng chiến chống Mỹ, ông có kỷ niệm gì sâu sắc không? Trầm ngâm một lúc ông nói: Gần nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng ký ức của những người lính một thời trận mạc cùng đồng đội vẫn vẹn nguyên như mới hôm nào. Ông đã kể cho tôi nghe một trong những trận đánh tiêu biểu.
                Trận đánh mở đầu chiến dịch Nguyễn Huệ. Tháng 2/1972 Tiểu đoàn 13 thuộc Lữ đoàn Đặc công 129. Trên cương vị là Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ thọc sâu xuống quốc lộ 13, trinh sát Chi khu quân sự Bến Cát. Tôi cùng đồng chí Tiểu đoàn Phó dẫn đoàn cán bộ vượt đường 13, tập kết tại khu rừng già phía đông Chi khu, khu rừng này đã bị địch dùng chất độc hóa học hủy diệt, đến nay cây cối mới đâm chồi cao chừng nửa mét, địa hình bị xe tăng địch cày xới ngang dọc. Nhưng giữa khu rừng vẫn còn những căn hầm bí mật của quân du kích Bến Cát. Vào tập kết tại khu rừng chúng tôi được chiến sỹ giao liên dẫn đến gặp một người phụ nữ lớn tuổi bám trụ tại khu vực này và một số chị em bị địch phát hiện được đưa ra từ ấp chiến lược. Mặc dù cuộc sống thiếu thốn cả vật chất và tinh thần nhưng khi gặp chúng tôi chị em rất vui vẻ, lạc quan, không nề hà trước mọi khó khăn, gian khổ; vì thế chúng tôi có thêm sự động viên khích lệ trước khi vào trận đánh. Hơn một tuần được chị em du kích Bến Cát dẫn đường, đoàn cán bộ Tiểu đoàn 13 đã vào Chi khu Quân sự Bến Cát, nắm vững các mục tiêu khu vực quân sự và khu hành chính của địch. Sau khi điều nghiên nắm chắc địa hình, bố trí của địch tại Chi khu, đoàn cán bộ trở lại khu tập kết. Tôi cùng một Tiểu đội Trinh sát ở lại tiếp tục bám nắm mục tiêu, theo dõi hoạt động hàng ngày quân địch có gì thay đổi để bổ sung vào phương án tác chiến. Ba ngày sau, tôi được tổ trinh sát dẫn đường trở lại hậu cứ và tiến hành xây dựng phương án tác chiến. Tại hậu cứ Tiểu đoàn triển khai họp bàn xây dựng kế hoạch tác chiến và thông qua Quyết tâm chiến đấu trận Chi khu Bến Cát.
Ngày 14/2 lệnh nổ súng toàn miền mở đầu cho chiến dịch Nguyễn Huệ. Chúng tôi hành quân từ căn cứ vượt đường 13 đến 20 giờ đêm 14/2/1972 đơn vị đã vào vị trí xuất phát tiến công. Các mũi đột kích của Đại đội 1, Đại đội 2, Đại đội 3 đã cắt xong các lớp hàng rào, đến 1 giờ sáng ngày 15/2 các hướng đã luồn sâu áp sát mục tiêu. Tôi trực tiếp chỉ huy Đại đội 1 đảm nhiệm hướng chủ yếu. 2 giờ sáng ta đã nổ phát súng lệnh đánh vào Trung tâm thông tin của địch rồi cả Tiểu đoàn đồng loạt nổ súng. Tiếng bộc phá, thủ pháo chớp liên hồi và từng loạt điểm xạ của súng tiểu liên AK bắn vào những tên lính gác bỏ chạy ra khỏi Chi khu. Gần một giờ đồng hồ giao tranh quyết liệt, chúng tôi được lệnh rút ra khu vực tập kết trước lúc trời sáng. Sau đó đơn vị rút ra khỏi Chi khu hành quân về Hậu cứ an toàn. Mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ Tiểu đoàn Đặc công của tôi đã góp phần cùng các Sư đoàn chủ lực của ta ở miền Đông Nam Bộ đã giải phóng quận Bù Đốp, quận Lộc Ninh, sân bay Lộc Ninh và thị xã Hớn Quản thuộc tỉnh Bình Long.
             Sau chiến dịch Nguyễn Huệ, ông cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh và chiến dịch khác góp phần cùng các đơn vị Quân đội và nhân dân ta làm nên chiến thắng Ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông được chọn là gương điển hình đi báo cáo thành tích tại các hội nghị trong toàn đơn vị. Sau đó, ông được cử đi học nâng cao nghiệp vụ tại Học viện quân sự Đà Lạt và tiếp tục phục vụ trong Quân đội trên nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn với cấp bậc quân hàm Đại tá. Tháng 6/1991 ông nghỉ hưu. Hơn 25 năm phục vụ trong quân ngũ ông đã được Đảng, Nhà nước, Quân độị tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại.
          Trở về đời thường, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ông vẫn luôn giữ vững và phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tích cực tham gia sinh hoạt Hội CCB và các tổ chức đoàn thể; động viên con cháu chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương, làm tròn nghĩa vụ của người công dân.
                                                                                                                                                        Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HIỀN

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây