Sau khi chị đi Bộ đội, tại địa phương theo chủ trương của Đảng và Nhà nước gia đình chị đi xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Kỳ Nam, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Thời gian công tác trong quân ngũ được 4 năm, tháng 12/1983 chị được xuất ngũ về địa phương. Về quê chị xây dựng gia đình, kết hôn cùng anh Trần Văn Khuê là đồng đội cùng đơn vị, quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hai anh chị quyết định sinh cơ lập nghiệp tại quê vợ. Lúc bấy giờ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, vất vả. Với phẩm chất của người lính, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn từng bước ổn định cuộc sống. Năm tháng đi qua, vợ chồng sinh được 4 người con có trai, có gái và một cuộc sống hạnh phúc vẹn toàn. Là người phụ nữ, chị luôn chịu thương, chịu khó làm lụng để có đủ cái ăn, cái mặc cho gia đình; không chỉ làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ đối với chồng, con mà chị còn tích cực tham gia các hoạt động trong các tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Năm 1998, được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền và hội viên phụ nữ, chị đã được tín nhiệm bầu vào BCH Hội Phụ nữ xã Kỳ Sơn và cộng tác viên dân số xóm 11. Tháng 5 năm 2005 xã Tân Hương được thành lập, chị tiếp tục là Ủy viên BCH Hội Phụ nữ xã, Chi hội trưởng CCB Chi hội xóm 7. Tháng 10 năm 2006, chị được bầu làm Trưởng xóm 7. Mặc dù cùng một lúc đảm đương nhiều chức việc, nhưng chị đã nỗ lực phấn đầu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tháng 9 năm 2019 thực hiện chủ trương sát nhập các đơn vị hành chính… Theo đó xóm 7,14,15 sát nhập thành một. Chị tiếp tục được nhân dân bầu làm Trưởng xóm. Như vậy 6 nhiệm kỳ liên tục làm việc cái gọi là “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Bỏ ngoài tai những điều tiếng không hay, chị vẫn không quản ngại khó khăn vất vả cùng với Cấp ủy, Ban cán sự và các đoàn thể cấp xóm, cấp xã đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm phát triển kinh tế - xã hội. Là người “đứng mũi chịu sào”, chị đã động viên bà con nhân dân đẩy mạnh thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh” và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, động viên giúp đỡ gia đình hộ nghèo, hội viên các tổ chức hội gặp hoàn cảnh khó khăn từng bước đưa cuộc sống của nhân dân địa phương ngày một khởi sắc đi lên.
Là hội viên cùng sinh hoạt Chi hội CCB tôi hỏi chị: Làm việc tập thể, nhiều khi hội họp phải đi sớm về muộn, việc nhà bận rộn, thế ông xã có nói gì không?. Chị bộc bạch rằng: “Mới đầu, ông nhà tôi cũng có tiếng bấc, tiếng chì, lời ra, tiếng vào… Tôi nói, việc tập thể như vậy rồi, ông tạo điều kiện cho tôi hoạt động. Việc tôi làm, trong thôn, trong xã không một lời bàn tán, chê trách, mà được nhân dân tin tưởng và ghi nhận. Từ đó, ông đã nhất trí để cho tôi hoạt động, ngoài việc động viên, ông còn đảm đương mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình, bởi vì ông cũng là một Cựu chiến binh”. Quả thực lời nói và việc làm của chị, tôi vô cùng khâm phục và thầm mong chị có được sức khỏe và tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương.
Ghi nhận những kết quả và thành tích đạt được, lãnh đạo các cấp, đoàn thể địa phương đã tặng chị nhiều giấy khen, trong đó Hội LHPN huyện tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ”. Nay ngoài tuổi 60, chị gia nhập Hội Người cao tuổi, vẫn còn đảm việc nhà, lo việc tập thể. Người nữ CCB Nguyễn Thị Trụ luôn gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm hoạt động trên mọi mặt công tác, phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
NGUYỄN XUÂN TIẾN