Bí thư chi bộ cở sở có vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, muốn “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống”, nơi thực hiện cuối cùng là Chi bộ và Nhân dân. Nhiều nơi Bí thư Chi bộ còn kiêm chức trưởng Ban công tác Mặt trận, cho nên vị trí càng quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, Bí thư Chi bộ có lúc chưa nắm chắc quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình, nên công việc thường diễn ra theo hai hướng: Bí thư Chi bộ ôm hết mọi việc, làm thay chính quyền; hoặc là Bí thư tiếp thu chỉ đạo của cấp trên, về triển khai ở Chi bộ, giao mọi việc cho cấp dưới làm. Hiện tượng trên xẩy ra khá phổ biến ở cơ sở hiện nay.
Gặp một số đồng chí Bí thư Chi bộ, tôi có trao đổi: Nghị quyết của Đảng chỉ rõ, Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối mọi hoạt động của xã hội. Vậy ta hiểu “Lãnh đạo” là gì?, Lãnh đạo bằng cái gì? Không ít ý kiến lúng túng, hoặc nhận thức chưa đầy đủ. Đối với Cấp ủy cơ sở (nhất là Bí thư Chi bộ) cái trước hết phải nắm nội hàm khái niệm “Lãnh đạo” là gì? Phương thức tiến hành ra sao?.
Đồng chí Trương Đình Tuyển thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An (2000 – 2002), nói chuyện tại một hội nghị cốt cán, đại ý: “Các đồng chí không nên nói dài, tôi chỉ cần nghe anh đề ra việc gì?căn cứ vào đâu? ai làm? làm ở đâu? thời gian nào làm? kết thúc lúc nào? ai kiểm tra, đánh giá? thế thôi!”. Đây là một định nghĩa về công tác “lãnh đạo”của cấp ủy, đơn giản, dễ hiểu mà thật sự khoa học. Nhưng không phải ai cũng hiểu được và điều quan trọng là làm đúng, hiệu quả.
Còn Chi bộ lãnh đạo bằng cách nào, thì đã được Trung ương chỉ rõ: Lãnh đạo bằng Nghị quyết, bằng nêu gương Đảng viên, và bằng kiểm tra.
` Các nội dung trên, thật ra không có gì khó hiểu, khó làm. Có điều, một số Bí thư không chịu nghiên cứu, học tập, chủ quan, triển khai Nghị quyết qua quýt, biên bản không rõ ràng, nên khi kiểm tra không có căn cứ.
Một điểm yếu nữa của một số Bí thư là công tác chuẩn bị cho hội nghị thiếu chu đáo. Thậm chí, đến giờ rồi, đảng viên có mặt đầy đủ, nhưng mình đang loay hoay chuẩn bị tài liệu. Tính luộm thuộm ấy, chậm giờ là chắc chắn, cuộc họp kéo dài, hiệu quả thấp là đương nhiên. Bắt đầu đúng giờ là tác phong số một, quan trọng nhất, của người chủ trì. Kết thúc đúng ý định là thể hiện sự nghiêm túc và trình độ của cử tọa.
Xin đề xuất: Hàng năm nên có các cuộc tập huấn, nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho cấp ủy cơ sở, nhất là Bí thư Chi bộ. Cán bộ cấp trên nên có chương trình cụ thể cho các cuộc “Vi hành” của mình (Tức là đi không báo trước, “Không trống dong, cờ mở gì cả) đến với các cơ sở, để “Kiến mục sở thị”, nhằm giúp cấp dưới công tác tốt hơn. Hướng về nhân dân, tác phong gần dân của cán bộ, là điều ước nguyện, mà sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Ngô Trí Sỹ