QUAN TÂM NHIỀU HƠN GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LÍ TƯỞNG SỐNG TRONG THANH NIÊN

Thứ bảy - 19/03/2022 21:18 112 0
Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946 Bác Hồ đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, đời người khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vai trò to lớn của tầng lớp thanh niên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được thực tế chứng minh, kiểm nghiệm. Mặc dầu vậy, trong những năm qua, xuất hiện một bộ phận không nhỏ giới trẻ có lối sống bàng quan, ích kỷ, thực dụng, thiếu lí tưởng sống đúng đắn, phù hợp. Trước thực tế đáng lo ngại này, vấn đề giáo dục đạo đức, lí tưởng sống đối với tầng lớp thanh niên trong giai đoạn hiện nay càng cần được quan tâm đúng mức.
Mùa hè xanh tình nguyện của tuổi trẻ
Mùa hè xanh tình nguyện của tuổi trẻ
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, thế hệ trẻ đã thể hiện vai trò đi đầu của mình trong cuộc đối đầu một mất một còn với kẻ thù. Nhiều phong trào lớn đã thể hiện dấu ấn của tuổi trẻ một thời như: phong trào “Lao động kiến thiết Tổ quốc” (1959); phong trào “Thi đua trở thành người lao động tiên tiến” (1960); phong trào”Ba sẵn sàng” (1964); phong trào “Năm xung kích” (1965). Lí tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ thời kì này là “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tự nguyện dấn thân để thực hiện lí tưởng sống cao đẹp ấy, rất nhiều mồ hôi, máu xương và nước mắt đã đổ xuống. Nhiều tấm gương anh hùng trẻ tuổi đã dũng cảm hi sinh: Kim Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn văn Trỗi… Vài năm trước, những cuốn nhật kí chiến trường như nhật kí Đặng Thuỳ Trâm của Bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành những hiện tượng văn hóa với số lượng xuất bản kỉ lục, thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận. Có được điều đó là do các cuốn sách ấy đã thể hiện sinh động, xúc động phần nào chân dung của thế hệ trẻ một thời với những phẩm chất: anh hùng, dũng cảm, kiên cường, vị tha, giàu tình yêu thương…
Khi hoà bình lập lại, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình, những tấm gương với lí tưởng sống phù hợp với thời đại mới. Đó là những cô giáo, thầy giáo vùng cao sẵn sàng hi sinh tuổi xuân từ bỏ chốn phồn hoa đô hội để miệt mài gieo cái chữ cho đàn em thơ; những học sinh có hoàn cảnh sống khó khăn vẫn vươn lên học giỏi tham gia những kì thi olympic quốc tế mang vinh quang về cho Tổ quốc; những nhà doanh nghiệp trẻ có tâm, có tài xuất hiện ngày càng nhiều. Trong nhiều mùa hè qua, bóng những chiếc áo xanh tình nguyện thấp thoáng trên mọi nẻo đường của Tổ quốc với hàng vạn công trình phúc lợi được xây dựng cùng với những nghĩa cử cao đẹp đã tạo niềm tin cho cộng đồng về một thế hệ trẻ mới: năng động , hoạt bát, táo bạo biết đồng cảm và chia sẻ.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, đã và đang xuất hiện những hiện tượng đáng quan ngại về lí tưởng sống của một bộ phận không nhỏ giới trẻ.Nhiều thanh niên không xác định được cho mình mục đích sống đúng đắn, cụ thể. Đã xuất hiện những quan niệm, lối sống lệch lạc: Sống thoáng, sống thử, sống gấp, thích hưởng thụ, bàng quan, ích kỉ, vô cảm…Tình trạng thanh niên lãng phí thời gian và tuổi xuân của mình ở các vũ trường, trong các động lắc, đặc biệt, tỉ lệ thanh niên sa ngã vào các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói là hiện tượng phạm pháp tuổi học trò với những vụ việc nghiêm trọng như cướp của, giết người đã không còn cá biệt. Thực trạng trên khiến cho dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng. Đó thực sự là những mảng tối trong bức tranh toàn cảnh về giới trẻ Việt Nam hiện nay.
Có thể thấy, tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Trước hết là do sự thiếu cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện của bản thân một bộ phận thanh niên. Việc thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội dẫn đến lối sống buông thả từ đó sa ngã. Công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường mặc dù đã được chú trọng nhưng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang tác động tiêu cực đến thế giới quan, nhận thức của một bộ phận giới trẻ dẫn đến những quan niệm sống lệch chuẩn, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và các giá trị vật chất. Mặt khác, sự  buông lỏng, thiếu quản lí, quan tâm hay chiều chuộng quá mức của một số gia đình cũng làm nảy sinh ở con cái lối sống ích kỉ, đua đòi, thích hưởng thụ. Một nguyên nhân quan trọng khác là chất lượng hoạt động Đoàn cấp cơ sở ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thu hút được đông đảo thanh niên vào các sân chơi lành mạnh, bổ ích, các công tác xã hội vì cuộc sống cộng đồng.
Trước tình trạng bất cập đáng báo động trong lối sống của một bộ phận thanh niên hiện nay, vấn đề bồi dưỡng, giáo dục lí tưởng sống cho thanh niên cần được chú trọng. Mỗi thanh niên cần sớm xác định cho mình mục đích sống đúng đắn từ đó ra sức rèn luyện, tu dưỡng để không ngừng hoàn thiện bản thân. Các gia đình cần thắt chặt hơn nữa công tác quản lí, giáo dục con cái, ngay từ nhỏ, cần hình thành cho trẻ nhân cách, bản lĩnh sống để có thể tự đưa ra những cách hành xử phù hợp trong các tình huống khó khăn trong cuộc sống. Trong nhà trường, song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học cần chú trọng hơn công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Lợi thế của môn học đạo đức (ở bậc tiểu học), môn giáo dục công dân (ở cấp THCS, THPT) cần được tận dụng tối đa, triệt để. Bên cạnh đó cần không ngừng đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động Đoàn và phong trào Thanh niên ở các cấp đặc biệt là ở cấp Chi đoàn nhằm thu hút rộng rãi đoàn viên thanh niên vào các sân chơi lành mạnh, các chương trình chung sức vì cộng đồng từ đó tạo cơ hội để rèn luyện, bồi đắp lí tưởng sống cho thanh niên. Có thể khẳng định rằng, giáo dục đạo đức, lí tưởng sống cho thanh niên là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Bởi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước giàu mạnh đang trông đợi rất nhiều vào lớp thanh niên tài năng, nhiệt huyêt, nhất là có hoài bão và lí tưởng sống đúng đắn, phù hợp.
Bài và ảnh: BÙI MINH TUẤN

Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây