Ngoài 7.200 ha đồi núi, 3.600 ha ao đầm, bãi bồi ven biển Diễn Châu còn có 13.500 ha đất nông nghiệp. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp, huyện ủy, UBND Diễn Châu chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trồng rừng, mở rộng ngành nghề sản xuất thủ công nghiệp, làng nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa tiến bộ công nghệ sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi. Huyện ban hành đề án phát triển kinh tế biển, kinh tế đồi núi, thương mại dịch vụ, đi xuất khẩu lao động, làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích phát triển giao thông nông thôn, hỗ trợ xây dựng NTM, tăng cường, quản lý, kiểm soát cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, thu nhập cho bà con nông dân. Huyện và các xã thực hiện tốt chỉ thị 08, nghị quyết 02 của tỉnh ủy Nghệ An về tăng cường làm giao thông thủy lợi, dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng cho thu nhập cao. Thực hiện luật HTX năm 2012, huyện tiến hành chuyển đổi hệ thống HTX nông nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả phát huy vai trò tích cực của thành phần kinh tế này.
Từ những chủ trương, chính sách này đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân Diễn Châu. Huyện mở hàng chục cuộc họp ở khu dân cư để nhân dân thảo luận, góp ý kiến, hiến kế thực hiện chương trình xây dựng NTM và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sao cho có hiệu quả. Tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo môi trường thông thoáng, kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là mời gội con em Diễn Châu làm ăn xa đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng nhà máy, khu công nghiệp và các công trình phục vụ đời sống dân sinh cho quê hương mình.
Toàn huyện có hơn 80.000 hội viên Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, sinh hoạt ở 285 xóm. Đây là lực lượng lao động nòng cốt trong lao động sản xuất và xây dựng NTM ở địa phương. Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, phối hợp với 63 HTX Nông nghiệp mở hàng chục cuộc họp ở khu dân cư để bà con nông dân, xã viên HTX thảo luận góp ý kiến, hiến kế thực hiện chương trình xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp sao cho có hiệu quả. Vận động người dân giải phóng mặt bằng hiến đất, công lao động, để mở rộng đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi giả trí. Bằng cách làm này, 10 năm xây dựng NTM (từ năm 2011 -2021) và sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã tiếp cận nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của trung ương và tỉnh, mỗi năm đầu tư hơn 500 tỷ đồng để xây dựng đường, trường, trạm, đê sông, đê biển, cầu cống, hồ đập, trạm bơm điện, kè chống sạt lở. Nhân dân đã hiến 400 ha đất, đóng góp 1.300 tỷ đồng để xây dựng 600km đường giao thông nông thôn gần 150km giao thông nội đồng, kiên cố hóa 140 km kênh mương, đào đắp 3 triệu 3m3 đất và hàng vạn ngày công lao động. Tổng kinh phí nhân dân đóng góp để chuyển đổi ruộng đất là hơn 120 tỷ đồng, bình quân 350.000 đồng/sào để chỉnh trang đồng ruộng, làm giao thông thủy lợi. Hơn 30 doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, trong đó có 6 doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào đầu tư xây dựng nhà máy khu công nghiệp nhỏ ở các xã Diễn Tháp, Diễn Yên, Diễn phong, Diễn Hồng, Diễn kỷ, Diễn Trường.
Nổi bật là nhà máy Sam Sung ViNa của Hàn Quốc đặt trụ sở làm việc ở khu công nghiệp Hồng - Kỷ, tạo việc làm cho 2000 lao động, các doanh nhân tại Hà Nội, Sơn la, con em Diễn Châu như Lê Thanh Thản, Hoàng Xuân Thảo đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng khách sạn, siêu thị, bệnh viện, trường học, khu du lịch sinh thái, tạo không gian kinh doanh, sản xuất làm thương mại, phục vụ học tập, khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng cho nhân dân. Xã nào cũng dành từ 4 đến 6 ha đất để xây dựng trung tâm thương mại, chợ nông thôn. Huyện và các xã làm tốt công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như liên kết với các nhà máy ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thành phố Vinh, các cửa hàng đại lý trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch.
Nhờ phát huy sức mạnh toàn dân, trong đó lấy lực lượng Hội CCB, Cựu quân nhân, Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên làm mũi đột phá nên 10 năm qua bức tranh nông nghiệp, nông thôn ở huyện Diễn Châu thêm sáng sủa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mỗi năm đạt từ 10 - 12 %. Cả huyện được mùa lúa, mùa cá. Sản lượng lương thực đạt mỗi năm từ 13.000 tấn đến 136.000 tấn. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng hải sản đạt mỗi năm từ 42.000 đến 46.000 tấn, chế biến và tiêu thụ mỗi năm hơn 10 triệu lít nước mắn, từ 3000 đến 3.600 tấn tôm, sứa, các loại cá ngon, nuôi 120.000 con gia súc, trong đó có 6000 con bò vàng và dê núi. Tổng thu nhập GDP đạt mỗi năm từ 9.500 tỷ đồng đến 12.800 tỷ đồng. Nguồn lợi mà rừng và biển đem lại hơn 760 tỷ đồng/năm. Thu ngân sách năm 2016 đạt 293 tỷ đồng, năm 2020 nâng lên 530 tỷ đồng. Đời sống nhân dân được nâng cao, năm 2016 đạt bình quân 36 triệu đồng, năm 2021 nâng lên 53 triệu đồng/người (Với hơn 30 vạn người dân toàn huyện). Số hộ giàu và khá, thu nhập từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng hộ/năm, chiếm 70%. Toàn huyện có 74.300 hộ dân thì đã có 85% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa, thể thao”. Cả huyện có 285 xóm thì đã có 260 xóm đạt danh hiệu “Làng văn hóa”. Niềm vui hơn nữa là đến mùa xuân năm Nhâm dần 2022, toàn huyện có hơn 10.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, và hơn 600 trang trại “ăn nên làm ra”, được đi báo cáo điển hình ở tỉnh, huyện, xã. Trong đó 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đã có 40 doanh nghiệp Cựu chiến binh cho thu nhập hàng chục tỷ đồng/doanh nghiệp/năm. Toàn huyện đã có 34/37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 19/19 tiêu chí/xã. Các xã còn lại đạt từ 17 – 18 tiêu chí.
Lý giải vì sao Diễn Châu có tiến độ xây dựng nông thôn mới nhanh, bền vững, liêu tục 10 năm liền nằm vào tốp đầu của tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, giáo dục và y tế, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, Phó trưởng Ban xây dựng nông thôn mới huyện, Phan Xuân Vinh cho biết: “ Chúng tôi làm thật kỹ công tác tư tưởng, giúp nhân dân hiểu đúng đắn, việc xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn là do chính mình làm và mình thụ hưởng, sự hổ trợ của nhà nước chỉ là đòn bẩy. Bà con lương, giáo đồng lòng, đồng thuận trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là chúng tôi mạnh dạn kiên quyết thực hiện các giải pháp phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, tạo nên những khâu đột phá trong chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mùa xuân Nhân Dần năm 2022, cả huyện khởi sắc ấm no, trù phú, yên vui.