CỰU CHIẾN BINH PHẠM VĂN KHẨN NGƯỜI HỒI SINH BÀU MỌC.

Thứ ba - 25/01/2022 02:26 103 0
Xuất ngũ về địa phương với hai bàn tay trắng, được anh em ruột trong gia đình hỗ trợ hai trăm nghìn đồng làm vốn. Vợ chồng ông đã mạnh dạn vay vốn mua lại các mảnh ruộng manh mún bỏ hoang về làm trang trại. Đến nay dưới đôi bàn tay cần cù của người lính, người Cựu chiến binh không cam chịu đói nghèo, mảnh đất Bàu Mọc đã hồi sinh giàu có.
Hai vợ chồng CCB Phạm Văn Khẩn
Hai vợ chồng CCB Phạm Văn Khẩn
           Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng  
          Phạm Văn Khẩn, sinh năm 1969 ở xóm 8, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình thuần nông, đông con nên chỉ học đến lớp 7/10, anh Khẩn phải nghỉ học và xung phong đi Bộ đội. Nhanh nhẹn, hoạt bát, bản tính nông dân thật thà nên khi vào bộ đội, anh được Chỉ huy đơn vị bố trí làm Liên lạc cho đơn vị. Sau 4 năm quân ngũ, tháng 1/1992, anh Khẩn xuất ngũ trở về địa phương làm ruộng. Về quê với hai bàn tay trắng, các anh chị đã có gia đình và ra ở riêng. Bố mẹ già yếu làm nông nghiệp nên cũng không giúp được gì cho anh. Năm 1993 anh Khẩn yêu thương và cưới chị Phạm Thị Vân, người xã Nghi Đức làm vợ. Thương em út vất vả, sáu anh chị em đầu của Khẩn đã chung góp lại được 200.000 đồng cho em làm vốn. Với đồng vốn ban đầu ít ỏi, hai vợ chồng mua căn nhà tranh nhỏ chung sống. Vốn ít, anh chị nuôi con gà con lợn, lớn lên xuất chuồng đem tiền bỏ ống. Khi đồng tiền trong ống đã đủ, anh chị đổ ống mua bò. Nhờ trời phù hộ cộng với mát tay, bò, lợn của anh hay ăn chóng lớn, chẳng mấy chốc bò đẻ con giống xuất chuồng. "Đi một ngày đàng học một tràng khôn". Thời đó, biết nuôi bò, nuôi lợn nhanh giàu nhưng khổ nỗi "Lực bất tòng tâm". Nuôi bò nuôi lợn ngoài kinh nghiệm, đồng vốn còn phải có mặt bằng làm trang trại.
Đất Nghi Phong nói riêng, huyện Nghi Lộc nói chung thời điểm đó bỏ hoang khá nhiều. Mặc dù bỏ hoang nhưng do đất đã chia theo khẩu phần Nghị định 64 của Chính phủ nên biết họ bỏ hoang nhưng muốn xin để làm trang trại cũng khó. Một hôm dắt trâu ra thả ngoài đồng, nhìn những thửa ruộng Bàu Mọc bỏ hoang manh mún anh tiếc đất vô cùng. Ở nông thôn vùng ruộng nào sâu nước,cỏ lác tốt ngập đầu, sản xuất nông nghiệp khó thì gọi là ruộng Bàu. Bàu Mọc quanh năm ngập nước nên xã Nghi Phong chia đều cho tất cả các khẩu trong xóm. Trung bình mỗi khẩu được mấy chục mét vuông. "Bỏ thì thương, vương thì nặng", ruộng Bàu Mọc "chiêm khê, mùa thối", các hộ được ruộng ở đây cũng canh tác theo khiểu được chăng hay chớ. "Có chí làm quan, có gan làm giàu", dám nghĩ, dám làm,vợ chồng anh Khẩn đến vận động 30 hộ dân có diện tích bàu Mọc bán lại số ruộng manh mún cho anh. Nói 30 hộ dân có ruộng bàu Mọc bán nghe lớn nhưng thực ra cả thảy cũng chỉ được hơn 7.000 m2. Khi các hộ đồng ý, anh Khẩn đã vay vốn Ngân hàng về trả tiền tậu ruộng. Nói là "tậu cho oai" nhưng thực ra hồi những năm 2000, việc mua lại mấy thửa ruộng này cũng rẻ.  Sau khi có ruộng, vợ chồng anh đào ao, thả cá, đắp đất tôn cao,dựng chuồng trại nuôi lợn,nuôi bò.
      Chăn nuôi trâu bò hàng hóa luôn lấy chữ “Tín” làm đầu
   Với hơn 7.000 m2 ruộng sâu ở Bàu Mọc, anh dành ra 5.500 m2 làm ao thả cá, mặt nước nuôi vịt, nuôi ngan. Số diện tích còn lại đắp đất tôn cao làm chuồng trại. Để nuôi trâu, bò hàng hóa, ban đầu anh mày mò học hỏi nghề thú y, xem tướng trâu bò. Ngày ngày, vợ chồng anh rong ruổi trên khắp các huyện miền núi  Nghệ An để mua trâu bò. Bò to, bò nhỏ, bò đẹp… anh mua hết đem về nhốt vào chuồng chăm sóc, theo dõi. Con nào đẹp, xoáy đồ chuẩn, anh để lại làm giống và bán cho khách hàng. Trâu,bò đủ tuổi, đủ trọng lượng, anh nuôi lại một chỗ vỗ béo, phòng dịch đầy đủ và xuất  bán sang Trung Quốc. Bò xấu, già bán cho hàng thịt. Trâu giống, bò giống của anh được khách hàng tin tưởng mua nhiều nên có khi không đủ hàng để bán. Con giống bán xong có giấy bảo hành nên bạn hàng tin tưởng. Anh vỗ béo mỗi lứa từ 100 đến 150 con trâu, sau một tháng xuất bán sang Trung Quốc. Mỗi con trâu xuất bán, sau khi trừ chi phí và trả công cho người chăn, anh lãi khoảng một triệu đồng mỗi con. Trung bình mỗi năm anh thu lãi ròng gần 2 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí. Ngoài tăng thu nhập cho gia đình, vợ chồng anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng mỗi người một tháng. " Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Nuôi trâu, bò vỗ béo thu nhập cao nhưng khá vất vả. Phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, cho ăn theo khẩu phần từng chu kỳ. Phải cho trâu thả đồng ăn cỏ để vận động và tạo nạc tự nhiên. Thị trường Trung Quốc là bạn hàng "khó tính", lúc trâu lên xe chở sang cửa khẩu là lúc chủ nhà "Ngồi trên đống lửa". Chỉ khi hàng đã thông quan, tiền chuyển về trong tài khoản lúc đó mới dám thở phào nhẽ nhõm.
           Người Cựu chiến binh làm “hồi sinh” Bàu Mọc.
           Những năm 2000 trở về trước, diện tích ruộng Bàu Mọc thuộc xóm 19 cũ xã Nghi Phong là ruộng sâu, quanh năm ngập nước, cỏ lác tốt ngập đầu người. Thời kỳ đó máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa sẵn như bây giờ. Làm ruộng chủ yếu "Con trâu đi trước, cái cày theo sau" nên khá vất vả. Trồng lúa  ở vùng này theo kiểu được chăng hay chớ." Bỏ thì thương, vương thì nặng". Thế nhưng từ khi được anh Khẩn mua gom lại, cộng với công sức lao động của vợ chồng, con cái, hiệu quả kinh tế của vùng Bàu Mọc đã được tăng lên rõ rệt. Trung bình mỗi sào ruộng bàu nếu trồng lúa, mỗi năm thu nhập sau khi trừ chi phí lãi khoảng một triệu đồng, nhưng khi được chuyển đổi sang làm kinh tế trang trại, hiệu quả tăng lên hàng chục lần. Hiện trong trang trại của anh luôn có gần 150 con trâu bò các loại, trong đó có hơn 100 con trâu đủ tiêu chuẩn xuất bán sang Trung Quốc.
          Nhận xét về gương sản xuất kinh doanh giỏi của Cựu chiến binh Phạm Văn Khẩn, ông Hoàng Mạnh Hà - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết: Ông Khẩn là một công dân gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, là hộ sản xuất chăn nuôi giỏi, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài làm kinh tế cho gia đình, ông còn giúp đỡ và tạo việc làm cho nhiều người khác. Luôn đi đầu trong việc  ủng hộ đóng góp ở địa phương như: Ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt năm 2.000, ủng hộ quỹ phòng chống Covid 19 hàng chục triệu đồng, nấu hàng trăm suất ăn ủng hộ các khu cách ly Covid 19… Trong nhiều năm qua vợ chồng ông được suy tôn "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện…". Còn ông  Phạm Ngọc Chương - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghi Phong thì nói: Cựu chiến binh Phạm Văn Khẩn là người chịu khó học hỏi, giám nghĩ, giám làm, sáng tạo, luôn đi đầu trong mọi công việc,xứng đáng với phẩm chất " Anh bộ đội Cụ Hồ" trên mặt trận sản xuất kinh doanh.
       Ra về, nhìn căn nhà hai tầng khang trang, ô tô chở hàng, ô tô con đậu giữa sân cùng đàn trâu đang ung dung gặm cỏ trong chuồng, tôi bất chợt nhớ tới câu nói của một triết gia: "Trên con đường thành công, không có dấu chân của những kẻ lười nhác''. Chân lý đó, ở Cựu chiến binh Phạm Văn Khẩn là một minh chứng điển hình.
                                                                                                  
                                                                            Bài và ảnh: Nguyễn Hữu Mai


 

Tác giả bài viết: Hữu Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây