Vào tháng 5/1948, anh bị một cơn sốt rét ác tính, mặc dù được cứu chữa tận tình nhưng vẫn không qua khỏi. Mọi người đều thương tiếc anh. Sống với nhau đã lâu nhưng không ai biết quê quán anh ở đâu, gia đình như thế nào, vì anh ít nói, còn anh em lại trẻ nên không ai dám hỏi. Mãi đến ngày 19/5 năm ấy anh em mới hiểu rõ về anh do chính Bác Hồ kể lại.
Sáng hôm ấy là sinh nhật Bác, anh em bảo vệ và phục vụ Bác rủ nhau hái một bó hoa rừng thật đẹp. Chờ khi Bác vừa từ cầu thang nhà sàn bước xuống, mọi người ùa đến quanh Bác, tặng hoa và kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Cầm bó hoa, Bác rơm rớm nước mắt, Người cảm ơn anh em và nói:
Các chú mang bó hoa này ra đặt lên mộ chú Đông.
Rồi sau đấy Bác kể cho anh em nghe về anh Đông. Anh là Việt kiều ở Thái Lan. Năm 1929, khi Bác hoạt động ở Thái Lan (khi ấy gọi là Xiêm) anh đã đi theo giúp việc Bác. Hai Bác cháu thường quẩy hai bồ thuốc, giả làm người bán hàng rong đi khắp các vùng có Việt kiều để tuyên truyền cách mạng. Khi Bác sang Trung Quốc, một thời gian sau anh cũng sang giúp việc Bác.
Năm 1941, anh cùng Bác về Pác Bó, anh lại lo việc cơm nước cho Người. Những ngày ở Pác Bó, ăn uống hết sức kham khổ; để “bồi dưỡng” cho Bác, anh thường cố chắt lấy ít nước cơm khi gần cạn, nài nỉ Bác uống cho kỳ được. Khi cách mạng tháng Tám thành công, anh ở lại Việt Bắc lo xây dựng công binh xưởng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ mà Đảng ta đã tiên liệu sẽ xẩy ra. Và đến năm 1947, anh lại về phục vụ Bác…
Bác nghẹn ngào. Mọi người xúc động, lặng im vì đây đâu phải là lần duy nhất họ thấy Bác đau nỗi đau của từng anh em trong đơn vị với cả tấm lòng của một người cha…