Thứ nhất, người làm báo phải có lý tưởng cao đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, quan điểm, lập trường kiên định, luôn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, Nhân dân.
Lý tưởng của người làm báo là phải suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của người làm báo, có một vấn đề được Bác Hồ đặc biệt quan tâm, đó là lập trường tư tưởng, thái độ chính trị của người làm báo. Theo Người, quần chúng nhân dân chính là đối tượng phục vụ của người làm báo, người làm báo phải rất coi trọng vấn đề trau dồi lập trường tư tưởng: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v…) phải có lập trường chính trị vững chắc, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Mỗi người làm báo phải có lập trường chính trị kiên định, vững vàng” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 13 - trang 166). Muốn có bản lĩnh chính trị vững vàng, người làm báo phải coi trọng vấn đề phê bình và tự phê bình. Qua việc thường xuyên phê bình và tự phê bình, người làm báo sẽ biết được mặt mạnh, mặt yếu của mình để từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, hoàn thiện bản thân: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén. Nó giúp ta sửa chữa sai lầm và phát huy ưu điểm. Đối với người làm báo cũng vậy, trong việc tu dưỡng đạo đức cách mạng của người làm báo, không thể thiếu phê bình và tự phê bình” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5 - trang 201).
Thứ hai, người làm báo phải có tinh thần trách nhiệm cao, phải thông tin một cách trung thực, chân thật, khách quan.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng. Trong mọi trường hợp, người làm báo dù có khen hay chê đều phải với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích cá nhân, ích kỷ, vụ lợi. Người làm báo phải phản ánh trung thực cuộc sống, không tô hồng, không bôi đen hiện thực, phải tôn trọng sự thật.
Thứ ba, người làm báo phải phục vụ lợi ích của Nhân dân, phục vụ cách mạng.
Chế độ ta là chế độ người dân làm chủ. Người làm báo phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải xác định mình là đầy tớ của Nhân dân: “Chức năng, nhiệm vụ của nhà báo là phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, phải gần gũi, hòa mình với Nhân dân, nếu cứ ngồi trong phòng mà viết thì bài báo sẽ xa rời cuộc sống, xa rời nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5 - trang 500).
Thứ tư, người làm báo phải suốt đời chịu khó học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức về mọi mặt.
Người làm báo phải coi việc học tập là nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ suốt đời. Theo Người, phải đặc biệt chú trọng đến động cơ, thái độ học tập. Mỗi nhà báo phải học tập vì Tổ quốc, vì Nhân dân, vì sự tiến bộ của chính bản thân mình: “Học để làm việc, làm người, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp, phụng sự Nhân dân, học để tin vào tương lai của dân tộc, vào tương lai của cách mạng. Học để làm việc chứ không phải để làm quan cách mạng, không phải để làm ông nọ, bà kia. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn phải tẩy trừ cho sạch. Phải học suốt đời” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5 - trang 235).
Trên đây là những vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với đạo đức người làm báo. Mỗi nhà báo cần thấm nhuần sâu sắc những vấn đề cơ bản ấy, luôn luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong sáng của người làm báo Việt Nam.
Đoàn Mạnh Tiến