VAI TRÒ TO LỚN CỦA BÁC HỒ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945
Thứ hai - 08/08/2022 20:561250
Sau ba mươi năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, năm 1941 Bác Hồ về nước. Ngày 08/02/1941 với tên gọi mới là già Thu, Bác vào ở và làm việc ở hang núi kín đáo của rừng núi Cao Bằng. Từ đây, Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sau đó ba tháng, từ 10/5 - 19/5/1941, Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa I). Tại Hội nghị này, Bác và Trung ương đã phân tích, nhận định một cách sáng suốt tình hình thế giới và trong nước, đề ra một chủ trương quan trọng là chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng: Từ đây, Đảng lãnh đạo, tổ chức phát động nhân dân cả nước gương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ chống đế quốc, tay sai, giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Sau hội nghị đó, Người chỉ đạo xây dựng lực lượng cách mạng để chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa sau này. Quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh; mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ; xúc tiến tổ chức lực lượng vũ trang. Cuối năm 1941, Người cho xây dựng thí điểm Đội vũ trang ở Cao Bằng, Đội vũ trang này có nhiệm vụ huấn luyện chính trị, quân sự cho các đội tự vệ, du kích ở các địa phương, đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng. Tiếp đó, Bác chỉ đạo và tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Người đã lựa chọn những cán bộ, đội viên xuất sắc trong số các du kích Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn để đưa vào hàng ngũ của Đội. Và ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) ra đời với 34 chiến sỹ. Để đẩy nhanh việc chuẩn bị cho khởi nghĩa, Bác đã triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kì, sát nhập Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Vệ quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân. Việc lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ra đời và không ngừng trưởng thành, lớn mạnh đã tạo điều kiện rất quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa sau này giành thắng lợi nhanh chóng. Lúc này, chiến tranh thế giới lần thứ hai đang có những chuyển biến nhanh chóng. Bác Hồ và Trung ương Đảng đã phát hiện ra mâu thuẫn trong nội bộ Mỹ - Anh - Pháp về vấn đề thuộc địa nói chung, về vấn đề Đông Dương nói riêng. Do đó, Bác đã gặp đại diện Mỹ ở Côn Minh (Trung Quốc) bàn về phương thức hợp tác Việt - Mỹ và đã được phía Mỹ nhất trí. Để thực hiện kế hoạch hợp tác Việt - Mỹ, Mỹ đã giúp Việt Minh bằng cách cho một số quân tình nguyện Mỹ huấn luyện cho lực lượng vũ trang Việt Minh, hướng dẫn cách sử dụng một số vũ khí, điện đài, hướng dẫn kỹ thuật, chiến thuật trận địa, đồng thời Mỹ giúp Việt Minh một số súng đạn, thuốc men,... Đáp lại, phía Việt Minh đã cung cấp cho Mỹ những thông tin quan trọng về hoạt động của Nhật, đã cứu và giúp đỡ nhiều phi công Mỹ rơi trên đất ta. Việc Bác Hồ quan hệ với phía Mỹ lúc này là một quyết định rất sáng suốt, nhằm mục đích vừa tranh thủ họ, vừa hạn chế họ để thêm bạn bớt thù cho Cách mạng Việt Nam, đồng thời để cho họ thấy rõ rằng cuộc đấu tranh của dân tộc ta là cuộc đấu tranh của lực lượng dân chủ trong mặt trận đồng minh chống phát xít mà họ cần quan hệ. Đây là một minh chứng điển hình cho quan điểm của Bác về vấn đề đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do. Đến ngày 09/03/1945, Nhật đảo chính Pháp rồi độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình đó, Bác và Trung ương Đảng đã kịp thời ra Bản chỉ thị lịch sử: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Một phong trào đánh Nhật cứu nước dâng lên mạnh mẽ khắp đất nước Việt Nam. Ngày 12/8/1945, Bác và Trung ương Đảng biết tin rằng Nhật có nguy cơ thất bại nên Nhật đang đàm phán với các nước đồng minh, để hòng nhờ đồng minh giúp đỡ để cứu vãn tình hình, bản thân lính Nhật ở Đông Dương đang rệu rã, chính quyền bù nhìn tay sai mất tinh thần, quần chúng cách mạng đã sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền. Chớp thời cơ đó, Bác quyết định phải tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân. Người nói rõ: “Có thể còn thiếu một số đại biểu chưa về kịp, nhưng cũng phải họp bởi vì thời cơ đã chín muồi. Nếu không, không thể kịp được trước tình hình mới. Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ngày 16 và 17/8/1945, Đại hội đại biểu quốc dân đã họp ở Tân Trào, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, Quốc Kỳ, Quốc ca và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam. Sau một thời gian ngắn, khởi nghĩa đã nổ ra ở Hà Nội (19/8/1945), Huế (23/8/1945), Sài Gòn (25/8/1945), trong vòng hơn 10 ngày, cuộc Cách mạng tháng Tám đã thắng lợi trong cả nước. Đoàn Mạnh Tiến