“DŨNG SĨ” GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Thứ tư - 10/08/2022 20:40 161 0
Tên thật của ông là Lậm, Lê Huy Lậm còn tên Luyện là do ông tự đặt cho mình từ ngày bị thương nặng phải rời vị trí chiến đấu với ý nghĩa là phải luôn tự thân rèn luyện. Người làng xóm 1 biết tên ông từ ngày ấy (1989) khi ông tình nguyện về gia đình tự điều dưỡng từ Trại Thương binh 4 Nghệ An, với thương tật 91%. Ông là lính đặc công, 3 lần dũng sĩ, về làng sau 20 năm nhập ngũ trong vòng tay chào đón của mọi người.
CCB thương binh Lê Huy Lậm
CCB thương binh Lê Huy Lậm
 Trong câu chuyện tâm sự ông bộc bạch: Mình còn sống là nhờ đồng đội, dòng máu trong tôi bây giờ đây là dòng máu được nuôi dưỡng bằng tình đồng đội. Còn nhớ khi bị thương lần cuối, lúc được chuyển về trạm phẫu tiền phương tháng 3 năm 1972, do vết thương bị hoại tử, lo khó qua khỏi cơn nguy kịch, anh em trong trạm kể cả những người bị thương nhẹ vẫn sẵn sàng tiếp máu cho tôi. Sau ba lần phẫu thuật chân trái chỉ còn gần 1/3. Khi tỉnh dậy thấy đồng đội quanh mình tôi đã khóc, không phải vì đau mà thấy tình đồng đội sao mà cao cả quá. Cô y tá còn cho hay, lúc đưa tôi vượt sông Sài Gòn có đồng đội đã phải hy sinh. Sau đó trên đường đi ra Bắc gần 8 tháng trời, trên vai các chiến sĩ tải thương, đồng đội lại cưu mang tôi sống.
Là lính ai từng ở miền Đông Nam Bộ, được thử sức qua những trận giữ chốt, chống càn những năm 1968-1972 mới thấy hết sự gian khổ ác liệt của cuộc chiến. Nhưng cũng từ đó cái chất lính mới thể hiện đúng nghĩa hơn bao giờ hết, sống chết luôn ở bên nhau. Bởi vậy khi nghĩ về đồng đội một thời tôi luôn tự nhắc mình hãy cố vượt lên cái “Tôi” đời thường, đừng bao giờ lùi bước. Cái vất vả luôn trong tôi lúc này là mảnh đạn còn lại ở trong đầu và 2 cánh tay buộc tôi cứ phải “chung sống hòa bình” với những cơn co giật bất thường. Mọi công việc phục vụ, lo việc gia đình đều trông chờ ở vợ con.
Thấy cả nhà quá vất vả vì mình, tôi quyết tìm cách tự vận động. Bà Hòa vợ ông cho biết: ngày mới về suy nghĩ trăn trở mãi ông quyết định thử sức mình, theo người làng đi làm thợ mộc, được ít năm phần vì do việc xa, đi lại khó khăn đành phải nghỉ. Ở nhà có lần ông “trốn” ra đồng làm ruộng, không may gặp cơn co giật, không người trợ giúp, một mình quay cuồng vật lộn, may mà ruộng cạn, thoát hiểm. Sau bận ấy ông nảy sinh “sáng kiến” dùng dây thun dài tự buộc mình vào cột nhà lúc cơn co giật đến, nghĩ mà quá thương cho ông, nhưng ngăn ông không được. Chịu đựng lâu dần thành quen, ông chủ động tự mình làm được các việc nhỏ trong nhà.
Ông Tạ Danh Kiên, Bí thư chi bộ dẫn lời: Là thương binh nặng song ông ấy sống hết lòng vì mọi người, không kêu ca, đòi hỏi. Anh xem, có ai như ông ấy đâu, đi lại khó khăn như thế nhưng lại tự mình làm lao công không công. Hàng chục năm nay đoạn đường làng quanh nhà ông vẫn luôn sạch sẽ nhờ ông thường xuyên quét dọn. Người làng có câu “sạch như đường ông Luyện” là vậy. Theo gương ông, nhiều gia đình dọc đường bảo ban con cháu vệ sinh, nhờ vậy đường làng ngày càng thêm sạch đẹp.
Bây giờ sức khỏe có yếu hơn nhưng đặc biệt trong sinh hoạt Đảng, Hội Cựu chiến binh chưa bao giờ ông cho phép mình tự vắng mặt. Ngày đứa con trai mất do lâm bệnh hiểm nghèo mọi người tưởng chừng ông khó qua khỏi song một lần nữa ông lại vượt qua nỗi đau chính mình. Ông xứng đáng là điểm tự vững chắc về tinh thần không chỉ trong gia đình mà cả cộng đồng nơi đây. Vừa qua, tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng bộ xã Diễn Cát đã chọn ông là tấm gương tiêu biểu trong việc “Làm theo”. Đợt trao huy hiệu Đảng 19/5/2019 cả mẹ ông và ông đều vinh dự được nhận huy hiệu 65 năm, 45 năm tuổi Đảng. Con gái út lại vừa báo tin vui, tròn 5 năm vào Đảng. Như vậy cả nhà ông ba thế hệ đều là đảng viên, thật vinh dự và đáng quý trọng. Trong chiến đấu ông ấy là dũng sĩ kiên cường, trong đời thường là “dũng sĩ” vượt khó nêu gương bằng nghị lực, phong cách, đạo đức người lính Cụ Hồ trên trận tuyến mới.
Bài và ảnh: Đặng Trọng Hùng
 

Tác giả bài viết: Đăng Trọng Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây