Nhắc đến Tổng Vạn Phần - Diễn Vạn là nhắc đến một địa chỉ đỏ về phong trào cách mạng của huyện Diễn Châu và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nơi đây đã sinh ra những người con ưu tú như: Sát hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn là một trong những tướng tài thời nhà Trần. Năm 1930 -1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra Diễn Vạn có những chiến sỹ Cộng sản kiên trung, là những người gây dựng và lãnh đạo tổ chức Đảng ở Diễn Châu như đồng chí Võ Mai là Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Hoàng Niên, Nguyễn Khôi đều là những người con, người chiến sỹ cách mạng ưu tú của xã Diễn Vạn nói riêng và Nghệ An nói chung. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhất là thời kỳ đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Diễn Vạn trở thành trọng điểm đánh phả ác liệt của máy bay giặc Mỹ nhằm ngăn chặn giao thông đường thủy phục vụ chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. Trong thời gian này, tất cả phương tiện đánh bắt hải sản của xã Diễn Vạn với hơn 250 tàu thuyền được chuyển sang làm nhiệm vụ vận tải lương thực, thực phẩm và vũ khí đạn dược phục vụ cho kháng chiến. Hàng trăm con em Diễn Vạn nối tiếp nhau ra trận phục vụ chiến đấu lập công trên khắp các chiến trường. Kết thúc chiến tranh, toàn xã có 132 liệt sỹ, thương binh, 5 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 chiến sỹ được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân. Hiện tại xã Diễn Vạn có 373 Cựu chiến binh và 38 Thanh niên xung phong trở thành lực lượng làm kinh tế năng động của xã.
Chủ tịch Hội CCB xã Diễn Vạn Đặng Văn Nông cho biết: “Phát huy truyền thống của cha ông đi trước, cả 373 hội viên CCB đều nòng cốt trong lao động sản xuất, đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi hội viên góp từ 80 – 100 ngày công, từ 3 – 4 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trên diện tích 245 ha đất sản xuất, xã chỉ đạo gieo trồng mỗi vụ 77 ha lúa để tạo ra nguồn lương thực giải quyết cái ăn cho dân. Đối với 30 ha đất màu, vườn tạp thì trồng cây ăn quả và rau hàng hóa. Còn 140 ha đất nằm cạnh Lạch Vạn, sông Bùng thì đầu tư cải tạo thành cánh đồng muối chuyên canh và vùng nuôi trồng thủy sản. Từ một vùng đất cát ven biển nghèo nàn, Diễn Vạn đã phát triển thành một xã giàu có với hơn 60% hộ giàu và khá nhờ gieo trồng kịp thời vụ, thâm canh nuôi trồng các loại giống mới, nên năm nào Diễn Vạn cũng được mùa. Năng suất lúa lai đạt 70 tạ/ha/vụ, muối đạt 70 tấn/ha/năm. Để giải quyết việc làm cho nông dân miền biển, xã đã xây dựng 2 làng nghề và 1 làng có nghề với các mặt hàng truyền thống như kẹo lạc, bánh đa, chế biến nước mắm, mộc dân dụng, làm mây tre đan xuất khẩu, thu mua chế biến nông sản, hải sản. Phối hợp với trung tâm khuyến nông, khuyến ngư huyện mở hàng chục lớp dạy nghề đào tạo thuyền trưởng máy trưởng, chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng vật nuôi, thu hút hàng nghìn bà con lương, giáo tham gia. Những gia đình có tiềm lực kinh tế, am hiểu thị trường được xã ưu tiên mặt bằng để mở cửa hàng, cửa hiệu, đại lý vật tư phân bón, thu mua hàng nông, hải sản để chế biến làm hàng hóa tiêu thụ trong Nam, ngoài Bắc. Số thanh niên, trung niên khỏe mạnh được vay vốn, mua thuyền, lưới, ngư cụ để đánh bắt cá biển hoặc đi lao động trong nước, ngoài nước. Đến 2015, toàn xã đã có 445 hộ làm dịch vụ thương mại, 34 hộ mua thuyền lưới đánh bắt cá và 21 hộ chế biển nước mắm. Đó là chưa kể 72 hộ nuôi trồng thủy sản và hơn 250 hộ chăn nuôi gia súc, làm kinh tế VAC. Hơn 1.000 chị em phụ nữ ngoài việc sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản còn tranh thủ nướng cá, chế biến nước mắm, mang hàng đi tiêu thụ ở 37 xã trong huyện.
Với cách điều hành, bố trí lao động “giỏi một nghề thạo nhiều việc”, đến nay Diễn Vạn đã căn bản giải quyết đủ việc làm cho người lao động với thu nhập bình quân 40 đến 46 triệu đồng/người/năm. Hơn 10 năm qua, xã được mùa lúa, mùa cá, mùa tôm, sản lượng muối nhiều nhất huyện mỗi năm 5000 tấn, sản lượng cá, tôm đánh bắt và thu mua mỗi năm 4.000 tấn. Thu nhập từ chăn nuôi, làm vườn đạt mỗi năm 15 tỷ đồng. Năm 2021 và 10 tháng năm 2022, xã có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10%, tổng thu nhập xã hội đạt mỗi năm từ 230 tỷ đồng đến 240 tỷ đồng, thu ngân sách từ 7 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng/năm. Năm 2009, xã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận 2 làng nghề truyền thống của 2 xóm giáo là Đồng Hà và Xuân Bắc.
Sản xuất muối theo công nghệ trải bạt ô kết tinh ở xã Diễn Vạn huyện Diễn Châu (Nghệ An) mỗi năm sản xuất và tiêu thụ hơn 5000 tấn muối sạch.
Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn Hoàng Thiên Long báo tin vui: “Chỉ tính 5 năm qua với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Diễn Vạn đã đầu tư hơn 250 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học, ngói hóa nhà ở cho dân, nhựa hóa đường giao thông nông thôn, làm mới chiếc cầu bắc qua sông Bùng dài hơn 300m, giá trị 10 tỷ đồng. Đó là chưa kể 6 nhà văn hóa xóm, trụ sở làm việc của UBND xã, trạm y tế xã, 2 trạm bơm điện, kè chống sạt lở kênh Vách Bắc cũng được nâng cấp làm mới, tô đẹp thêm vùng quê cách mạng khi mùa thu về. Đặc biệt Trạm xá xã Diễn Vạn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Các hoạt động văn hóa, thể thao, đền ơn đáp nghĩa, làm nhà tình nghĩa, đóng góp xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, “Nhiễm chất độc màu da cam”, phong trào quỹ khuyến học, khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được xã quan tâm làm tốt. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống hàng năm của Diễn Vạn, nơi có chi bộ Đảng đầu tiên và nổ ra cuộc khởi nghĩa 1930 - 1931, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân của quân và dân Diễn Vạn nói riêng và huyện Diễn Châu, Nghệ An nói chung.
Bài và ảnh: Lê Hoài Thung