TƯ TƯỞNG DÂN VẬN CỦA LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC - HỒ CHÍ MINH

Thứ tư - 26/10/2022 03:57 368 0
Từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc ta chống quân xâm lược nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc thấm thía sâu sắc: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Người đánh giá đúng lực lượng và sức mạnh to lớn của nhân dân ta trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đó khẳng định rằng: Muốn làm cuôc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi thì phải bằng phương pháp Dân vận cách mạng. Đảng cách mạng phải dựa vào dân. Lấy dân làm gốc, biết phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân để: “Đem sức ta mà giải phóng dân ta”.
Bác Hồ thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956)
Bác Hồ thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956)
Bài học về công tác Dân vận cách mạng đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền lại cho lớp Thanh niên Cộng sản Đoàn đầu tiên. Tháng 02 năm 1925 tại ngôi nhà số 13, đường Văn Minh, Quảng Châu Trung Quốc Người đã dạy cho lớp Thanh niên Cộng sản Đoàn về phương pháp và cách làm Dân vận cách mạng. Người khẳng định: “Cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Trong bài giảng “Đường cách mệnh” lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết “Muốn cách mệnh thành công thì phải có Đảng cách mệnh, Đảng phải tập hợp những phần tử ưu tú của công nhân, nông dân và trí thức…” Công tác Dân vận cách mệnh được Bác Hồ truyền đạt tại lớp học đặc biệt do Người tổ chức và giảng dạy “Vận động và tổ chức dân chúng”. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: “Nếu không có dân giúp sức thì Đảng không làm được gì hết…”. Tất cả những người học trò trung thành và tận tụy được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo từ những năm đầu dựng Đảng sau này đều đã trở thành những người thầy xuất sắc trong công tác Dân vận của Đảng qua từng thời kỳ của cuộc cách mạng giải phóng giành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Đó là Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Văn Lĩnh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Lê Duy Điếm, Đăng Thái Thuyến, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Thị Minh Khai.v.v.
Sau khi thành lập Đảng, ngày 18/2/1930 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết lời kêu gọi công nhân, nông dân, học sinh và mọi tầng lớp cần lao Việt Nam hãy ủng hộ Đảng, gia nhập Đảng và đi theo Đảng đúng với nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân. Nhờ công tác “Dân vận khéo” mà sau khi Đảng ra đời đã có hàng triệu công nông Nghệ Tĩnh vùng lên, gióng trống phất cờ đấu tranh làm nên cuộc cách mạng long trời chuyển đất: Chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời. Từ thực tiễn trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và phong trào cách mạng đang diễn ra trong nước lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng họp lần thứ Nhất tại Hương Cảng Trung Quốc từ 14-31/10/1930. Hội nghị đã bàn chuyên đề về công tác vận động quần chúng cách mạng và thông qua Án công tác Dân vận cách mạng Việt Nam. Trong đường lối Dân vận cách mạng có đề cập đến nội dung “Vận động trong quân đội của bọn địch” để ủng hộ cách mạng gọi tắt là binh vận. Nhờ công tác binh vận khéo của các chiến sĩ Cộng sản ở Nghệ An mà ngay những lính Pháp như Man - Zăng hay lính Khố Xanh (Đội Cung Tức Nguyễn Tri Cung) tại đồn Giám Binh ở nội thành cũng ngã về phía cách mạng. Âm thầm tạo đường dây bí mật từ bên ngoài vào Nhà lao Vinh để phối hợp đấu tranh, tiếp tế cho tù chính trị kéo dài cuộc đấu tranh.
Đến năm 1935 Mặt trận Bình dân ở Pháp, phát triển rất thuận lợi cho công tác Dân vận ở Việt Nam, đấu tranh đòi mọi quyền lợi hợp pháp, phát động phong trào đấu tranh hợp pháp trong cả nước đòi tự do dân chủ, cơm áo, học hành. Đó là thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1931) là cuộc tập dượt lần thứ 2 sau Xô viết Nghệ Tĩnh. Công tác dân vận được phát triển lên đỉnh cao là thời kỳ Bác Hồ  về nước  vào mùa Thu năm 1941, thành lập mặt trận Việt Minh lãnh đạo toàn dân đấu tranh, đưa cách mạng Tháng 8/1945 thành công rực rỡ. Ngày 02/9/1945 Bác Hồ đã khai sinh nền Độc lập nước nhà. Giành được chính quyền đã khó, giữ chính quyền non trẻ, trước mối hiểm họa thù trong, giặc  ngoài lại càng khó hơn! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn dân dũng cảm đứng lên “Diệt giặc đói” và “Diệt giặc ngoại xâm”. Nhờ Dân vận giỏi nên nền độc lập nước nhà vẫn được giữ vững, dân tộc ta đã vượt qua thử thách lớn lao. Bác Hồ và Đảng ta đã khôn khéo nhân nhượng với thực dân Pháp, ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Dân vận giỏi của Chủ tịch HCM được thể hiện bằng lời hịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946): “Hỡi đồng  bào” toàn quốc, bất kỳ đàn ông, người già, người trẻ… Hể là người Việt Nam thì đều phải đứng lên giết giặc cứu nước. Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước… không chịu làm nô lệ…”. Hũ gạo tiết kiệm  nuôi quân, tuần lễ vàng, Đảng và Chính phủ tạm rời Hà Nội, chuyển lên Việt Bắc, thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ gian khổ.
Năm 1947 Nghệ An thực hiện chỉ thị “tiêu thổ kháng chiến” dũng cảm kiên cường tháo dỡ hàng ngàn tấn máy móc thiết bị tại các nhà máy tại Vinh - Bến Thủy lên miền Tây để tiếp tục vừa sản xuất vừa chiến đấu. Các nhà máy, đường sá, cầu cống, đường ray tàu hỏa… đều được tháo dỡ. Thiết nghĩ nếu không có lòng tin tưởng ở Đảng và Bác Hồ trong công tác “Dân vận khéo” thì Nghệ An làm sao được cuộc cách mạng “Tiêu thổ kháng chiến”, “Vườn không nhà trống”… thành công?
Năm 1949 để động viên sức người, sức của cho “kháng chiến toàn dân, toàn diện” mau chóng kết thúc, Bác Hồ đã cho đăng bài “DÂN VẬN” trên báo sự thật vào ngày 25/10/1949 để nhắc lại tầm quan trọng và nhiệm vụ của công tác dân vận trong giai đoạn lịch sử mới. Nội dung bài viết có 4 phần:
1. Nước ta là NƯỚC DÂN CHỦ
2. DÂN VẬN LÀ GÌ? Dân vận là vận động tất cả lực lượng cùa mỗi  người dân, không để sót một người nào…
3. AI PHỤ TRÁCH DÂN VẬN? Bác Hồ đã dạy: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của tổ chức nhân dân đều phải phụ trách Dân vận… “Những hội viên đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”.
4. DÂN VẬN PHẢI NHƯ THẾ NÀO? Theo Bác Hồ thì “Những người phụ trách Dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi miệng nói, tay làm chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện “Dân vận khéo”, Người chỉ phát đi một lời hiệu triệu “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” mà cả dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” thu giang sơn về một mối phát triển bền lâu.
Tư tưởng Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành di sản văn hóa kiệt xuất trong suốt 92 năm qua (15/10/1930-15/10/2022) và mãi mãi tỏa sáng, xứng danh “Nghệ Tĩnh Đỏ’ mà Người hằng mong ước.
                                                                          HÀ LẠC
 

Tác giả bài viết: Hà Lạc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây