Bản Na Phày hiện có 225 hộ, với 1020 khẩu. Hàng chục năm nay, cán bộ chủ chốt của bản như Bí thư, Trưởng bản, Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể đều do các hội viên CCB đảm nhiệm. Tiêu biểu như CCB Lô Thái Bình, Quang Văn Vừng, Lô Du Học, Lương Văn Thêm, Lô Trung Tuyến, Lô Thái Huyết, nhất là bộ ba bí thư, trưởng bản, trưởng ban Mặt trận đều là bộ đội chống Mỹ. Chi hội CCB luôn đem tiếng nói có trọng lượng, giúp cấp ủy, ban quản lý đưa con thuyền của bản Na Phày đi đúng hướng, đạt được kết quả tích cực trong xây dựng làng văn hóa, nông thôn mới.
Về kinh tế đời sống: Lúa nước của bản gần 70 ha mỗi năm 2 vụ giải quyết được cơ bản về lương thực. Trong cơ chế thị trường, đội ngũ cán bộ, năng động, đổi mới; hướng dẫn, chỉ đạo bà con tìm thêm ngành nghề, muốn làm giàu thì mở thêm dịch vụ, kinh doanh, buôn bán. Tìm đất làm gia trại, vườn rừng, vườn nhà để tăng thu nhập. riêng CCB gần 100% có gia trại trồng keo, trồng mía, ao cá, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… CCB Lô Thái Bình làm thêm dịch vụ phục vụ nông nghiệp như giống, cây, giống con, phân bón thuốc trừ sâu bảo đảm chất lượng có uy tín với đồng bào. CCB Lô Minh Tuyết xây dựng xưởng mộc, xưởng xay bột, cho thu nhập hàng tháng từ 30 đến 50 triệu đồng, giải quyết việc làm từ 3 đến 5 con em đồng bào. Nhiều gia đình CCB mở thêm dịch vụ xay xát, làm mộc, làm gạch không nung… Hiện nay cả bản Na Phày không còn hộ nghèo, không có nhà tạm bợ, dột nát, hộ khá giàu trên 50%.
Công tác dân vận, an ninh trật tự, phòng, chống dịch Covid – 19 là địa chỉ đỏ để các thôn bản khác học tập. Từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, đường xá phải nâng cấp và chỉnh trang. Cán bộ và hội viên CCB là người đi đầu hiến đất, hiến vườn, chịu thiệt một số cây ăn quả, tính ra hàng nghìn m2 đất được đồng bào tự nguyện giao cho bản làm đường giao thông nông thôn, tiêu biểu như gia đình Lô Thái Bình, Lô Thái Huyết, Lô Minh, Quang Văn Vừng, Vi Kim Thành, Vi Văn Đậu, Lô Đại Quyết… đặc biệt… sau khi có sự hỗ trợ Xuyết xi măng của tỉnh, cán bộ vận động từng gia đình góp tiền mua cát sỏi, huy động lương thực các tổ chức đoàn thể góp công sức làm hàng trăm mét đường bê tông. Hiện nay, đường ngang, lối dọc theo ô bàn cờ làm đẹp cho bản Na Phày.
Phạm vi một bản gần như một xã hội thu nhỏ, không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió, thỉnh thoảng có những mâu thuẩn nội bộ, căng thẳng nhà trên, nhà dưới. Nhờ đội ngũ cán bộ gần gủi với dân, nắm được tâm lý, phong tục tập quán của đồng bào nên mỗi khi xẩy ra sự việc, cán bộ kịp đến với bà con hóa giải ngay vừa lý vừa tình như trường hợp: có gia đình bán đất, bán vườn, do sở hở trong văn bản bàn giáo, thêm vào “Tình ngay, lý gian” khi quả trong vườn chín người bán lại đến thu hoạch, cho rằng: chưa bán cây ăn quả, làm cho cán bộ phải giải quyết từ đầu. Phức tạp nhất là đợt vận động chuyển dời nghĩa địa đi nơi khác, cách nơi cũ gần 3 km để làng xóm không ô nhiễm môi trường. Tốn kém bao nhiêu thời gian để họp dân, đến từng gia đình hay “đòi hỏi vấn đề” dần dần từng đợt, từng bước thay đổi “tình thế” cuối cùng cũng giải quyết được êm xuôi. Khi lòng dân đã thuận, cán bộ đi vận động lực lượng trong bản ra làm đường, những gia đình có đường đi qua, lại xung phong hiến vườn, chặt cây để làm đường rộng hơn. Hiện nay ô tô tải hay xe tang chở người quá cố đến tận nơi. Đặc biệt đối với đồng bào miền núi chôn sâu một lần, đặt dời nghĩa địa không phải đào xương cốt, chỉ mời thầy mo đến cúng đưa hồn vía sang nghĩa trang mới là được.
Bản Na Phày có trục đường nhánh của quốc lộ 16 đi qua lại giáp với thị trấn Kim Sơn, số đối tượng tộm cắp, ma túy, cờ bạc hay lẩn trốn, trà trộn trong bản, làm cho cấp ủy, ban quản lý ngày đêm trăn trở tìm giải pháp làm sạch địa bàn, trong những việc làm của cán bộ mang lại hiệu quả không phải duy nhất chỉ có trấn áp, chủ yếu nhờ vào các đoàn thể vận động cảm hóa, nhất là lực lượng CCB phối hợp với đoàn thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi lập ra Câu lạc bộ giáo dục truyền thống, các Đội văn nghệ múa hát. Mặt khác các dòng họ trong bản họp định kỳ, xây dựng quy ước tự quản, lấy tích cực lấn dần tiêu cực, từng bước bóc tách những phần tử xấu. Làng văn hóa, nông thôn mới trở thành tiềm thức, niềm tự hào, ràng buộc từng người, từng gia đình, dòng tộc phải cùng nhau có trách nhiệm gìn giữ.
Mỗi khi nhắc đến sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ của bản, thể hiện rõ nhất trong các đợt chống dịch Covid – 19, cụ thể là thời gian cả nước tập trung cho các tỉnh phía Nam; con em Quế Phong từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương về tránh dịch không phải là ít, trong đó có các cháu bản Na Phày. Từng ngày nghe tiếng thông báo của Ban chỉ đạo chống dịch, cán bộ lại huy động lực lượng và cùng túc trực, chốt chặn ngày đêm, có nơi phải rào chắn kèm lực lượng an ninh của xã. Người dân trong bản thực hiện “ở nhà là yêu nước” một số bà con nói thật với cán bộ: đâu phải nhà nào cũng có “khép kín”!
Nhờ sự ủng hộ của đồng bào, ngoài những trường hợp mang bệnh từ các tỉnh phía Nam về được cách ly, không ai làm lây ra cộng đồng. Bên cạnh đó trung tâm y tế huyện Quế Phong lại tích cực tiêm vắc – xin theo chỉ đạo của cấp trên. Đến nay, cả huyện đã tiêm phủ mũi 1, mũi 2 gần 100%; mũi 3, mũi 4 hơn 50%. Sau tết Nguyên đán, việc lây lan Covid – 19 đã hạ nhiệt trong đó có bản Na Phày. Bà con Na Phày vô cùng cảm ơn đội ngũ cán bộ, biết chăm lo mọi mặt đời sống cho đồng bào, nhất là trong các đợt chống dịch Covid – 19.
Chi hội CCB bản Na Phày, hiện còn 35 hội viên trong đó thời kỳ chống Mỹ 8 người,, ông nào cũng lục tuần, thất tuần nhưng thường xuyên làm cán bộ chủ chốt, mẫn cán của bản. Một đội ngũ cán bộ, một Chi hội CCB thật sự đoàn kết, dân chủ, tập hợp được quần chúng; xứng đáng là hạt nhân, là linh hồn, nơi gửi gắm niềm tin của bà con bản Na Phày, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong.
Bài và ảnh: QUANG VĂN CHANH