MƯỜNG PHIỆT – MỘT LÀNG QUÊ BIÊN ẢI RẤT ĐÁNG TỰ HÀO

Thứ tư - 04/10/2023 03:43 110 0
Bản Mường Piệt cách trung tâm xã Thông Thụ gần 10km, ra đến huyện hơn 50 km, chốt ở phía Tây có đường biên giới với nước bạn Lào gần 29 km. Bản Mường Piệt trải dài 7 km theo trục đường 48a, cuối bản gần cột mốc 63. Chiều rộng của bản hẹp, đồng bào dựng nhà theo các trục đường nhánh ngang hai bên, Bản Mường Piệt chạy dài sông song với đường 48 lên Lào và khe Piệt từ Lào sang. Bản cách biệt với trung tâm xã Thông Thụ. Trước đây bà con đi bộ sang bản Tàu (của Lào) thăm thân nhiều hơn đi ra ngoài huyện.
Ông Lang Văn Toàn người con của Mường Piệt...
Ông Lang Văn Toàn người con của Mường Piệt...
          Sự tích Mường Piệt được các cụ kể lại: Ngày xưa có ông Tào Piệt từ Thanh Hóa đến định cư, do tranh dành lãnh địa, Tào Piệt bị một nhánh khác sát hại, dân làng thương tiếc ông làm Thành Hoàng, đặt tên cho con khe gọi là khe Piệt, sau thành bản Mường Piệt. Bản Mường Piệt tăng hộ, tăng khẩu rất nhanh kể cả sinh học và cơ học do có đường 48 đi qua là đường nhựa; tiếp đó lại có thủy điện Hủa Na, hàng chục hộ dân có tiền đền bù đi di cư tự do vào mua đất làm nhà cư trú. Số hộ trong bản hơn 300; 100% dân tộc Thái, được phép của cấp trên Mường Piệt chia làm 2 bản: Mường Piệt ở ngoài, Mường Pú ở trong (có núi dốc gọi là Mường Pú).
          Một bản làng vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa đều giống nhau như bao làng khác, nhưng Mường Piệt lại là một bản ở vùng biên viễn rất đáng tự hào. Từ giữa thế kỷ XIX, giặc Xá ở Lào tràn sang các xã biên giới. Quỳ Châu trước đây, người dân Mường Piệt đi đầu trong việc đánh giặc. Đến thời kỳ phong trào Cần Vương, biết bao trai tráng vùng biên giới phía tây trong đó có con em bản Mường Piệt tập trung xây dựng lực lượng, tích trữ lương thực hậu cần, khí giới hướng về cùng đốc thiết Quỳ Châu và đồng bào miền xuôi, quyết tâm đánh đuổi giặc “Tây”. Bao lớp thanh niên tựu quân với lời thề đánh đuổi xâm lược, tiêu biểu nổi lên 2 anh em bản Mường Phiệt: Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ. Về sau để tưởng nhớ và ghi danh hai anh em nên đặt tên vùng đất biên cương này là xã Thông Thụ (hiện nay chia làm 2 xã là Thông Thụ và Đồng Văn).
          Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ con em xã Thông Thụ nói chung, bản Mường Piệt nói riêng nô nức xung phong lên đường nhập ngũ, đứng thứ 2 các xã trong huyện, chỉ sau Mường Nọc là xã Trung tâm, đặc biệt có hàng chục chị em gái. Thời kỳ đế quốc Mỹ đưa máy bay ném bom miền Bắc, Trung đội Dân quân xã Thông Thụ do đồng chí Quang Trung Cường chỉ huy (sau này là Chủ tịch UBND huyện) với súng trường K44 bắn máy bay Mỹ rơi cách bản Mường Piệt 2km theo đường chim bay; năm 1966 được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho xã Thông Thụ.
          Con em bản Mường Piệt luôn bám bản, bám làng, nghe theo Đảng giữ biên cương; thời chống Pháp, bao lần thổ phỉ, biệt kích xâm nhập vùng biên giới đều bị Dân quân chặn lại. Năm 1963 có đồn Biên Phòng đứng chân, xã Thông Thụ với đồn Biên Phòng tạo thành thế vững chắc ổn định chính trị vùng biên. Trai gái Thông Thụ nói chung, bản Mường Piệt nói riêng từ trước đến nay là niềm tự hào của quê hương Quế Phong. Qua các phong trào, có những cán bộ tiêu biểu nổi lên như Lang Văn Thiết, Lang Văn giong, Quang Trung Cường, Lô Văn Phòng, Lương Xuân Vinh… Đặc biệt có ông Lang Văn Toàn, du kích chống Pháp, là CCB, được điều lên làm cán bộ huyện Quỳ Châu trước đây. Năm 1963 thành lập huyện Quế Phong, ông về làm Chủ tịch rồi Bí thư, cứ luân phiên Bí thư rồi Chủ tịch huyện; đến năm 1981 được đi tham quan, an dưỡng ở Liên Xô rồi về nghỉ hưu tại quê nhà.
          Sau khi nước nhà thống nhất, thời kỳ bao cấp đói kém của những năm 1980, đồng bào Mường Piệt biết tự vượt lên chính mình; giữ vững bản lĩnh xứng đáng con cháu ông Thông, ông Thụ; bám đất, bám rừng, khai khẩn đất hoang làm lúa nước, lúa nương, tìm nguồn sống từ rừng, không vượt biên trái phép, không buôn bán hàng quốc cấm. Nhiều tuyến biên giới như Tri Lễ, Nặm Giải, Hành Dịch có lúc nóng lên vì đường dây ma túy, nhưng đối với vùng Thông Thụ, đặc biệt là bản Mường Piệt không ai sa vào tệ nạn buôn bán, nghiện ngập ma túy.
          Mường Piệt bước sang thời kỳ đổi mới, lớp thanh niên rất nhạy cảm với cơ chế thị trường. Một số ít sau tốt nghiệp Trung học phổ thông thi đậu vào các Trường Đại học, kể cả Đại học Quân đội và Công An, sau thành Kỹ sư, Bác sỹ, Sỹ quan… về làm việc ở huyện và xã. Đa số đi nghĩa vụ quân sự 2 năm về địa phương. Họ không ly hương, chỉ ly nông. Người Mường Piệt chăm chỉ làm việc, nếu tính theo độ tuổi thì lớp ông bà, cha mẹ đang còn sức khỏe họ tự “tách hộ” đi vào trong khe kiếm miếng đất bằng, làm mảnh vườn, mảnh ruộng, ao cá nho nhỏ, nuôi gà, vịt, lợn, có nơi vài con bò… vừa tăng thu nhập cùng con cháu vừa làm vui tuổi già. Lớp kế tiếp là con, là cháu đang tuổi lao động, nhờ có điện, có đường, tự nhiên hình thành các tổ nhóm làm thợ mộc, thợ xây, giàn mát… thành thợ lành nghề phục vụ bà con, nơi nào có nhu cầu. Một số đi buôn “đường ngắn, đường dài” làm những việc pháp luật không cấm. Không phải chỉ con trai phái mạnh mà cả con gái cũng có xe chạy đường dài chở hàng, chở khách đi khắp Bắc – Nam. Khi bước chân vào Thông Thụ nói chung, Mường Piệt nói riêng sẽ gặp những cửa hàng đủ loại chạy dọc theo đường 48. Tiêu biểu như cửa hàng Quang Anh, một em gái mới lớn nhưng làm bà chủ một kho vật liệu xây dựng cuối bản Mường Piệt, đủ phục vụ nhu cầu địa phương và huyện Sầm Tớ (Llaof) Bản Mường Piệt hiện nay chủ yếu nhà xây kiên cố, nhà sàn kê lợp ngói, không còn nhà tranh tre, tạm bợ. Không ít nhà đã có ce con, xe tải vào loại đắt tiền.
          Người Mường Piệt giàu lên với cơ chế thị trường nhưng không quyên nghĩa vụ phên dậu của Tổ quốc. Dân quân, Cựu chiến binh, chính quyền hai bên biên giới hàng quý, năm, luân phiên gặp nhau theo văn bản ghi nhớ kết nghĩa hai bên. Tháng 6 năm 2023, CCB huyện Sầm Tớ (Lào) sang bản Mường Piệt giao ban có mặt chính quyền xã Thông Thụ, chỉ huy Đồn Biên Phòng 63; tạo điều kiện hiểu biết và tin cậy, cùng nhau bảo vệ biên giới, giữ vững tình hữu nghị truyền thống bao thế hệ cha ông xây đắp nên.
          Từ khi thành lập huyện năm 1963, huyện Quế Phong luôn tự hào có xã Thông Thụ, có bản Mường Piệt là địa phương cách mạng. Người Mường Piệt (Quế Phong) người bản Tàu (Sầm Tớ - Lào) như anh em, luôn qua lại thăm thân nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc quốc gia, quan hệ quốc tế, bắt tay nhau cùng phát triển đi lên. Bản Mường Piệt xa xôi miền biên ải, nhưng là niềm tự hào của huyện Quế Phong cũng như tỉnh Nghệ An.

Tác giả bài viết: Quang Văn Chanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây