QUAN TÂM GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 CHO THẾ HỆ TRẺ

Thứ hai - 02/10/2023 04:24 106 0
Cách đây 78 năm, Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ. Với thắng lợi lịch sử này, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ, đánh đuổi quân phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ phong kiến hàng ngàn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cuộc Cách mạng tháng Tám đã để lại nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Cần phải đặc biệt chú trọng việc giáo dục giá trị truyền thống cuộc Cách mạng tháng Tám cho thế hệ trẻ bởi đó là thế hệ sẽ gánh vác trọng trách quan trọng trong tương lai.
Buổi nói chuyện chuyên đề (cách mạng tháng Tám mốc son thời đại) tổ chức tại TP Bắc Ninh
Buổi nói chuyện chuyên đề (cách mạng tháng Tám mốc son thời đại) tổ chức tại TP Bắc Ninh
Trước hết, từ giá trị truyền thống của Cách mạng tháng Tám, cần giáo dục cho thế hệ trẻ về sự kiên định mục tiêu, lí tưởng độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội.
Cần nói với thế hệ trẻ rằng kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Xét về thời điểm thì Cách mạng tháng Tám là điểm xuất phát của một thời kỳ cách mạng mới đấu tranh cho độc lập dân tộc gắn liền CNXH. Cũng cần khẳng định rằng chính thế hệ trẻ Việt Nam là thế hệ sẽ viết tiếp những trang sử vàng truyền thống của dân tộc ta, tiếp nối thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa, tạo thành dòng chảy liên tục của lịch sử dân tộc.
Cần phải phân tích cho thế hệ trẻ biết rằng Đảng ta có cơ sở khoa học, có niềm tin vững chắc khi kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Trước và trong Cách mạng tháng Tám, đã có biết bao cán bộ, đảng viên, biết bao người chiến đấu, hi sinh cho lý tưởng, mục tiêu ấy, bởi vậy thế hệ trẻ hôm nay phải quyết tâm hành động để thực hiện việc tiếp nối, mục tiêu, lý tưởng ấy bằng những việc làm cụ thể, bằng sự nỗ lực không ngừng phấn đấu đổi mới, sáng tạo, đóng góp tích cực, có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Không những thế, thế hệ trẻ còn phải trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, phải luôn luôn có bản lĩnh cách mạng, lập trường, quan điểm chính trị vững vàng để phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động về Cách mạng tháng Tám, bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám, khẳng định giá trị của Cách mạng tháng Tám, tiếp tục kiên định lý tưởng, mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Hai là, từ giá trị truyền thống của Cách mạng tháng Tám, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm, bất khuất, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của dân tộc.
Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam đã được hội tụ, kết tinh trong Cách mạng tháng Tám, đã được thể hiện trong Cách mạng tháng Tám. Suốt bốn ngàn năm lịch sử, biết bao thế hệ cha ông đã chiến đấu hi sinh, đã dày công vun đắp cho truyền thống đó. Ý chí độc lập, tự do, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường, tinh thần dũng cảm... là những biểu hiện của truyền thống cao đẹp, quý báu, là những giá trị bất diệt. Đó cũng chính là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước, để đổi mới đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp nối và phát huy truyền thống quý báu đó bằng cách ra sức phấn đấu, ra sức đóng góp, sức lực, trí tuệ, tích cực góp phần xây dựng quê hương, phấn đấu không mệt mỏi cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ba là, từ giá trị truyền thống của Cách mạng tháng Tám, giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng chung ý chí, cùng chung khát vọng, vượt mọi khó khăn gian khổ, đồng lòng phấn đấu hi sinh cho thắng lợi của cách mạng.
Trong Cách mạng Tháng Tám, ở thời điểm khó khăn nhất, tất cả mọi người Việt Nam đã phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đồng tâm hiệp lực, bất chấp mọi hi sinh gian khổ, nhất tể đứng dậy tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tinh thần đoàn kết đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Bản Tuyên ngôn Độc lập (9/1945): “Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Khi một dân tộc có tinh thần đoàn kết thì sẽ làm nên những điều to lớn, phi thường, cần phải khơi dậy trong lòng thế hệ trẻ giá trị to lớn của tinh thần đoàn kết ấy để thế hệ trẻ quyết tâm đồng tâm hiệp lực, gánh vác trọng trách trong giai đoạn cách mạng mới, vượt mọi gian khổ, phấn đấu để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra: “Toàn dân phải phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Tác giả bài viết: Đoàn Mạnh Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây