Đền Mường Ham được xây dựng ở một vị trí cao nhất thuộc Thung Cọc, mặt nhìn về hướng Nam, phía sau tựa lưng vào dãy núi Phá Phâng, phía trước là xóm Hạ Đông, Đồng Tiến. Phía Đông giáp bản Mường Ham, phía Tây giáp Thung Mường Nọi. Xa xa, có dòng Nậm Huống uốn lượn từ phía Đông qua Bắc tạo cho di tích có một cảnh quan sơn thủy hữu tình, non nước hùng vĩ, thoáng đãng, thơ mộng. Vị trí nơi đền tọa lạc được cho là nơi mà kiệu của Tạo Nọi đặt chân, khởi nguồn cho việc tạo dựng nên Mường Ham ngày nay.
Dâng hương tại đền Mường Ham
Nguyên xưa, đền Mường Ham gồm 01 nhà sàn làm bằng gỗ, 01 gian, mái lợp tranh, vách thưng ván, 01 cầu thang.Sau chiến tranh đền bị hư hỏng. Năm 2006, chính quyền và nhân dân xã Châu Cường phục dựng lại đền theo kiến trúc xưa, nhưng quy mô lớn hơn. Đền Mường Ham được làm bằng gỗ, theo kiểu kiến trúc nhà sàn. Sàn tầng 1 có diện tích gần 86m2 gồm 03 gian, 04 phía để trống không thưng, nền láng xi măng, độ cao từ mặt đất lên đến sàn là 2m.Nối giữa sàn tầng 1 để đi lên sàn. Sàn tầng 2 có diện tích 67,5m2 gồm 03 gian, xung quanh thưng ván, phía trước trổ 01 cửa chính cao 2,7m, rộng 1,2m, 02 cửa sổ hai bên, mỗi cửa cao 1,2m, rộng 0,6m. Phía ngoài là hệ thống hành lang có chiều rộng 1m, chiều dài 10m. Nhà có kết cấu vì kèo kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Nâng đỡ hệ thống mái là hệ thống cột cái và cột quân kết hợp với hệ thống xà thượng, xà hạ, kẻ đảm nhiệm chức năng đỡ hệ thống mái và liên kết các cột trong vì với nhau. Tổng có 08 cột cái, 08 cột quân.Mái đền gồm có 4 mái xòe ra 04 phía, lợp ngói Tây, trên mái đắp bờ dải, bờ nóc, trang trí hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Đền được làm thành 03 gian. Gian giữa bài trí thờ cúng, 02 gian bên không bài trí. Tại vị trí gian giữa bài trí 01 hương án 02 cấp bằng gỗ, sơn son, thân hương án chạm lộng trang trí các đề tài: cây trúc, hoa lá, long ly…
Nhà Nghiên Cứu Sầm Văn Bình phát biểu tham luận tại hội thảo
Di tích Đền Mường Ham là di tích có giá trị về mặt tâm linh tín ngưỡng đối với đồng bào người Thái ở khu vực miền Tây xứ Nghệ. Là địa điểm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Thái, thờ phụng tri ân các vị thần có công bảo hộ cho dân, tạo lập bản mường. Tại đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể được chính quyền, nhân dân quan tâm gìn giữ và phát huy.
Tại hội thảo các đại biểu, các nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm hoàn thiện hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh Đền Mường Ham xã Châu Cường.
Với việc lập hồ sơ di tích xếp hạng di tích lịch sử - danh thắng cấp tỉnh là hết sức cần thiết nhằm tạo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý đểbảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài cũng như thảo lòng mong đợi của người dân Mường Ham nói riêng và huyện Quỳ Hợp nói chung.
Thu Hường