Trong 4 nguy cơ thì nguy cơ thứ 2: Nguy cơ sai lầm về đường lối, đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa là rất nguy hiểm, có thể làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là nguy cơ bên trong và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi có những biến động lớn ở trong nước hoặc trên thế giới và trước những bước ngoặt của cách mạng. Mặt khác, thời kỳ hội nhập, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và nền kinh tế thị trường dẫn đến sự phát triển trong các quan hệ sản xuất. Đất nước ta, bên cạnh những tác động tích cực của hội nhập, theo đó cũng phải chịu những tác động tiêu cực.
Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo càng đi vào chiều sâu, càng đạt được nhiều thành tựu nổi bật, quan trọng thì càng nảy sinh những vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết. Tình hình đó cũng là một việc bình thường, bởi mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn; thực tiễn luôn luôn vận động, biến đổi và chính thực tiễn đổi mới cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới trên tất cả các lĩnh vực, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải kịp thời giải quyết
Trong tình hình ấy, lợi dụng những khó khăn, yếu kém của ta, các thế lực thù địch tiến hành Chiến lược “diễn biến hòa bình” tăng cường đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm cho nguy cơ sai lầm về đường lối, đi chệch định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) diễn ra ngày càng gay gắt. Chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay với nhiều hình thức, nội dung, thủ đoạn hết sức đa dạng, phong phú, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, vừa trực diện, vừa ẩn mình để chống phá cách mạng nước ta. Sau đây, có thể nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Loại quan điểm cho rằng, học thuyết giá trị thặng dư của Mác, học thuyết về vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân... là không còn phù hợp. Và theo lập luận của chúng, thì thời đại ngày nay khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, kinh tế hiện đại cũng đang chuyển dần sang kinh tế tri thức. Nền sản xuất công nghiệp hiện đại đã sử dụng nhiều robot - người máy, tự động hóa, người công nhân được tuyển dụng và sử dụng rất ít. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi các quan hệ xã hội, suy nghĩ, tư duy của con người. Mặt khác, trong điều kiện hiện đại thì nhà Tư bản không còn bóc lột sức lao động của giai cấp Công nhân lao động nữa. Điều đó cũng có nghĩa rằng Chủ nghĩa Tư bản hiện đại đã thay đổi, không còn xâm lược hay bạo lực, và cũng không có quyền lực nữa, giai cấp Công nhân không còn vai trò sứ mệnh lịch sử giải phóng lao động nữa mà tầng lớp trí thức mới đóng vai trò này trong xã hội hiện đại. Giai cấp Công nhân không còn vai trò trong nền sản xuất hiện đại, mà chính tầng lớp Trí thức mới là người quyết định vận mệnh tương lai của nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ đúng đắn trong điều kiện Cách mạng Công nghiệp lần thứ Nhất (động cơ hơi nước), khi mà nền sản xuất dựa trên máy móc cơ khí. Còn hiện nay, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp nữa. Vì theo chúng, thời đại ngày nay là thời đại “hậu công nghiệp”, kinh tế - xã hội có rất nhiều đổi thay. Nhân loại đã chuyển sang cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa, tin học hóa).
Quan điểm trên là hoàn toàn xuyên tạc bởi vì, cho dù xã hội hiện đại phát triển đến đâu đi chăng nữa mà chế độ Tư bản đang còn, thì mọi quyền lực chi phối vẫn thuộc về giai cấp nào nắm giữ tư bản, đó chính là giai cấp Tư sản chứ không có một giai cấp nào khác. Giai cấp Tư sản vẫn luôn là giai cấp thống trị và người công nhân vẫn chỉ là người làm thuê cho ông chủ Tư sản mà thôi. Và một điều dễ hiểu đó là, trong các nhà máy, xí nghiệp… thì máy móc không thể tự chạy mà phải có người công nhân trực tiếp thao tác, vận hành, xử lý. Hay nói cách khác là, làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, điều hành, theo dõi thường xuyên trong quá trình tự động hóa của máy móc đều phải có bàn tay, khối óc – tức là lao động sống của người công nhân. Đó là chưa nói đến vai trò quan trọng như thế nào của người công nhân trong dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ việc chăm lo đầu vào sản xuất, duy trì hoạt động bảo đảm an toàn chất lượng, thời gian đến việc lo đầu ra sản phẩm, quảng bá, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Như vậy chúng ta có thể cho rằng, quan hệ sản xuất Tư bản Chủ nghĩa ngày nay về hình thức đã có những điều chỉnh, thay đổi nhất định. Sự điều chỉnh, thay đổi về quan hệ sản xuất của Chủ nghĩa Tư bản đã làm cho bản chất bóc lột, ăn bám, tàn nhẫn của nó trong quá khứ bị lu mờ. Thay vào đó là hình ảnh về một Chủ nghĩa Tư bản “hiện đại, tiến bộ”, “Chủ nghĩa Tư bản nhân văn, nhân ái”… Tuy nhiên sự thay đổi đó không phải là thay bằng một hình thái kinh tế - xã hội mới, mà nó chỉ mang tính chất “ ngụy trang” để che đậy bản chất bóc lột, độc quyền của phương thức sản xuất Tư bản Chủ nghĩa. Nền sản xuất Tư bản Chủ nghĩa hiện nay vẫn dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân Tư bản Chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và quy luật giá trị thặng dư vẫn là quy luật tuyệt đối của xã hội Tư bản hiện đại.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, chúng ta khẳng định rằng, học thuyết Mác - Lênin là khoa học và cách mạng, vì mục tiêu giải phóng và phát triển con người.
Vì vậy, trong tình hình hiện nay cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nền tảng tư tưởng của Đảng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thực sự nêu gương và xem việc học tập Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nghĩa vụ, trách nhiệm và cũng là quyền lợi của bản thân mình. Như nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội…”./.